Sở Xây dựng Hà Nội ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn. (Ảnh: Int) |
Theo Kế hoạch số 96/KH-SXD vừa được ban hành, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra, đôn đốc, đề xuất xử lý với các dự án có vi phạm, chưa khắc phục dứt điểm theo kiến nghị giám sát của Thường trực HĐND thành phố.
Đồng thời, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát, xác định các dự án chậm triển khai do nguyên nhân khách quan phải điều chỉnh quy hoạch, các dự án chậm triển khai không do nguyên nhân trên để xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, đề xuất chế tài xử lý các chủ đầu tư chậm trễ trong việc lập, trình thẩm định quy hoạch chi tiết các dự án hoặc thực hiện dự án không đúng quy hoạch được duyệt.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tiếp tục tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trước đó, hồi tháng 10/2021, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
Theo đó, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư; nâng cao quản lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; đảm bảo việc thực hiện dự án đầu tư đúng quy định của pháp luật, đúng dự án, quy hoạch được phê duyệt, sử dụng đất đúng mục đích.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì triển khai Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 37/215 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai nhưng chưa khắc phục dứt điểm các vi phạm để kết luận, làm rõ nguyên nhân và đề xuất biện pháp giải quyết triệt để các vi phạm.
Trường hợp chủ đầu tư cố tình chây ỳ, tiếp tục vi phạm thì thành phố kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án hoặc thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và đề xuất xử lý nghiêm các dự án chưa khắc phục vi phạm hoặc vẫn tiếp tục vi phạm đối với 21 dự án mà đoàn giám sát HĐND thành phố đã giám sát trực tiếp; 246/379 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, 25 dự án chậm triển khai khác phát sinh.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng được giao tiến hành kiểm tra đối với 4 dự án theo kiến nghị của Đoàn tái giám sát HĐND thành phố để chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan và báo cáo, đề xuất UBND thành phố giải quyết, xử lý theo quy định…
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, chia sẻ với VnBusiness, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT chia rằng, để xử lý được những dự án treo này, các địa phương cần có chế tài phù hợp và kiên quyết. Theo Luật Đất đai 2013, với trường hợp dự án sai phạm nhưng đang hình thành tài sản trên đất, theo quy định về thời hạn là 24 tháng không sử dụng đất, dự án sẽ bị thu hồi đất.
Đối với trường hợp tài sản đã được hình thành trên đất, Nhà nước có thể tịch thu đất, nhưng không tịch thu tài sản trên đất. Nếu chủ đầu tư không nộp bồi thường vào ngân sách có thể chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác.
“Đối với dự án sang tên đổi chủ nhiều lần, cơ quan quản lý cần rà soát triệt để xem sai ở khâu nào, căn cứ theo pháp luật đều có phương án xử lý thích hợp”, ông Võ đề xuất.
Được biết, huyện Mê Linh đang ở top đầu địa phương có nhiều dự án bỏ hoang nhất, lên tới 50 dự án. Cụ thể, dự án khu đô thị Minh Đức rộng 17,1 ha do Công ty TNHH Minh Đức là chủ đầu tư, dù được chấp thuận chủ trương cho thực hiện dự án từ năm 2008 nhưng nay vẫn chỉ là... bãi cỏ; Khu nhà ở thuộc xã Quang Minh với quy mô gần 22ha hiện vẫn còn diện tích chưa giải phóng mặt bằng; Khu du lịch 79 mùa xuân của Công ty CP An Phát (Toàn Thắng) tại xã Thanh Lâm với quy mô gần 100 ha đến nay vẫn là bãi cỏ để chăn thả gia súc...
Tiếp theo là huyện Hoài Đức với các dự án như khu đô thị Nam An Khánh, khu đô thị Vân Canh, khu đô thị Ledico; dự án khu biệt thự Vườn Cam...
"Thâm niên" hơn cả phải kể đến dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) do Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng - Licogi làm chủ đầu tư, kéo dài suốt 16 năm. Dự án được giao đất từ năm 2004, nhưng tới nay vẫn nằm là bãi đất hoang xen kẹt với hàng chục hộ dân vẫn chưa nhận tiền đền bù để giải phóng mặt bằng.
Phạm Minh