Anh Nguyễn Anh Đức, Công ty BĐS ABLand (Hà Nội) cho biết, việc Thành phố Hà Nội điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn hôm 21/9 là điều mà giới BĐS rất mong chờ, vì mấy tháng nay khách hàng chủ yếu gọi điện thoại, xem sản phẩm qua các nền tảng trực tuyến, các giao dịch thành công đều đã đặt cọc xem nhà, đất từ trước dịch. Ngay sau ngày 21/9, nhiều khách hàng đã hẹn tới xem sản phẩm đất nền ven đô.
Xem nhiều hơn mua
Theo anh Đức, số khách hẹn thăm đất nền đều là khách hàng tại Hà Nội, số còn lại là khách các tỉnh như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng đều rất sốt ruột trước tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp.
Chuyên gia dự báo cuối năm thị trường vẫn thiếu hụt nguồn cung và vẫn khó khăn nhất định. |
Hiện nhiều lô đất nền ven đô dự kiến ra hàng vào tháng 7-8 đều được chủ đầu tư hoãn lại, cho đến nay các hoạt động này cơ bản mới chuẩn bị mở lại, khách chủ yếu trực tiếp xem trước vị trí, hạ tầng. Anh Đức hy vọng, tháng 10 và tháng 11 các chủ đầu tư sẽ mở bán lại, lúc đó thị trường sẽ sôi động trở lại.
Chị Thu Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội) là môi giới cho một công ty phát triển BĐS chia sẻ, thị trường BĐS sôi động hồi đầu năm và đến giữa năm “ngủ đông”. Trước dịch, khi BĐS hạ nhiệt, chị có sản phẩm tại huyện Hoài Đức, Đan Phượng. Trong đại dịch, một số khách hàng đã không thể trực tiếp xem lô đất này nên họ đã đợi việc di chuyển trở lại bình thường để ký hợp đồng và thủ tục vào tên. “Thời điểm này, dòng tiền của nhà đầu tư đổ về đâu nhiều nhất thì nơi đó sẽ có sóng BĐS", chị Thuỷ nói.
Đánh giá về câu chuyện đầu tư BĐS sau giãn cách, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS nhìn nhận, nhu cầu đầu tư tại Việt Nam rất lớn, trong đó 2 kênh được yêu thích nhất là chứng khoán và BĐS. Hiện nay đầu tư sản xuất kinh doanh rất khó, thế nên BĐS trở thành một lựa chọn.
Tuy nhiên, khách hàng muốn đi xem thôi chứ chưa chắc đã mua. Bởi BĐS có giá trị lớn, không phải muốn mua là mua được. Do đó, sau dịch sẽ có làn sóng đi xem BĐS nhiều hơn đi mua. Suốt 3 tháng dịch, nhiều nhà đầu tư phải gồng mình trả lãi vay ngân hàng, bên cạnh nhóm 80% nhà đầu tư có nhu cầu đi xem BĐS để tìm sản phẩm mua vào thì vẫn có 10-20% nhà đầu tư có nhu cầu bán ra BĐS để giải quyết vấn đề trước mắt.
“Như vậy, một bên thì đợi mở cửa để bán ra, còn người muốn mua chưa chắc đã mua, sau dịch là một thị trường rất thú vị”, ông Quang nhấn mạnh.
Thị trường giằng co
Nhận định về xu hướng nhà đầu tư đất nền và các cơn sốt đất hậu dịch Covid-19, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho hay, trước Covid-19, dòng tiền không chỉ tập trung ở Hà Nội, mà còn chảy mạnh đến các địa phương có tiềm năng, đặc biệt các khu vực có quy hoạch mới lên thành phố, nơi có đường giao thông trọng điểm đi qua... sẽ dẫn đến sốt đất.
Khi Covid-19 xảy ra, lãi suất ngân hàng xuống thấp, nhà đầu tư có xu hướng rút vốn về đầu tư vào những tài sản an toàn và có khả năng thu lời cao hơn. Những nhà đầu tư đất nền có vốn dài thì nằm im chờ thời cơ hoặc gom hàng từ người "bán tháo".
Hậu Covid-19, khi kinh tế phục hồi, cùng với các quy hoạch mới và việc điều chỉnh theo khung giá đất mới (2020 - 2024) của các địa phương thì giá đất nền tăng và các cơn sốt đất nền hoàn toàn có thể xảy ra.
“Sốt đất đem đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư vốn lớn, nhưng với các nhà đầu tư "tay mơ" có thể mất cả chì lẫn chài", ông Điệp nhìn nhận.
Đánh giá về thị trường BĐS từ nay tới cuối năm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhìn nhận, cả hai thị trường Hà Nội và TP.HCM sẽ thiếu hụt về nguồn cung. Bởi nếu được mở cửa dần dần vào tháng 10/2021, những sự kiện tập trung đông người vẫn chưa được phép triển khai. Có thể những sự kiện ngoài trời hoặc được phép tụ tập cũng không quá 30 người.
Với mức độ tập trung ít như vậy, những chủ đầu tư có dự án quy mô lớn muốn chào bán phải bán theo giai đoạn, với số lượng vừa và nhỏ. “Mặc dù chúng tôi cũng khá lạc quan về nhu cầu của người dân, về tỷ lệ hấp thụ của một số dự án cá biệt nhưng bản thân người mua cũng rất thận trọng”, bà Dung nói.
Nếu nhìn vào 3 tháng trước đây, thấy rằng khách hàng có thể vẫn rất lạc quan và còn nhiều nhu cầu. Nhưng 3 tháng vừa qua, rất nhiều người phải làm việc ở nhà, thậm chí không còn tiếp tục công việc như trước. Họ sẽ phải suy nghĩ rất thận trọng, kể cả mua để ở hay mua để đầu tư. Bản thân chủ đầu tư khi chào bán cũng phải thận trọng thăm dò nhu cầu trên thị trường và dần dần họ mới dám đưa ra những sản phẩm với quy mô lớn.
Phạm Minh