Số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố cho thấy, trong nửa đầu năm 2024, Công ty cổ phần Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn lỗ sau thuế khoảng 199,4 tỷ đồng, cao gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2023, đồng thời vượt cả khoản lỗ hơn 152 tỷ đồng trong cả năm ngoái.
Nhiều doanh nghiệp thua lỗ
Hưng Thịnh Quy Nhơn là chủ đầu tư dự án Merryland Quy Nhơn và Grand Center Quy Nhơn (Bình Định). Tại thời điểm 30/06/2024, tổng tài sản của công ty ghi nhận hơn 46,7 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 32% so với cùng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nợ phải trả tăng 49%, lên gần 38,8 ngàn tỷ đồng
Chưa kể, Hưng Thịnh Quy Nhơn cũng đang có những khoản nợ trái phiếu khổng lồ. Cụ thể, công ty hiện lưu hành 4 lô trái phiếu với tổng giá trị 6,500 tỷ đồng, lãi suất từ 9.5 - 11%/năm. Trong đó, sẽ có hai lô với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào cuối tháng 6/2025, hai lô tổng trị giá 4.000 tỷ đồng còn lại sẽ đáo hạn vào nửa đầu năm 2026.
Có dấu hiệu phục hồi song bất động sản nghỉ dưỡng còn rất nhiều thách thức nếu muốn trở lại thời hoàng kim. |
Cũng rơi vào cảnh thua lỗ là CTCP Phát triển địa ốc Sông Tiên. Trong nửa đầu năm nay, công ty báo lỗ hơn 62 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2023. Thời gian qua, doanh nghiệp này gây chú ý khi là chủ đầu tư của dự án Angel Island nằm tại cù lao Nhơn Phước (Đồng Nai) không giáp biển, nhưng vẫn được định vị là khu đô thị du lịch với nhiều tiện ích giải trí, nghỉ dưỡng.
Tương tự, “điệp khúc” thua lỗ cũng đang ám ảnh Tonlin Land - chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng phức hợp Le Méridien Đà Nẵng - đã lỗ liên tiếp từ khi công bố thông tin năm 2021 đến nay. 6 tháng qua, công ty này báo lợi nhuận âm hơn 8 tỷ đồng.
Trong khi đó, CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương - chủ khu du lịch quốc tế Dragon Ocean Đồ Sơn (Hải Phòng) - hụt hơn 34 tỷ đồng lợi nhuận. Ngoài ra, Sunbay Ninh Thuận - đơn vị đầu tư tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang (Ninh Thuận) - báo lỗ hơn 14 tỷ đồng.
Dễ nhận thấy, danh sách các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang nối dài kể từ cuộc khủng hoảng gần nhất. Không ít doanh nghiệp khó dòng tiền buộc phải lựa chọn bán các dự án để xoay xở.
Đơn cử, cách đây không lâu, Công ty cổ phần Đầu tư LDG ra nghị quyết thông qua chủ trương tái cơ tài sản, dự án. Công ty dự kiến thực hiện các phương án gồm hợp tác phát triển, chuyển nhượng dự án, bán cổ phần để thanh toán các khoản nợ trái phiếu, ngân hàng...
Trong ngắn hạn, LDG tính chuyển nhượng dự án Khu du lịch Bãi Bụt - Sơn Trà do CTCP Hải Duy (công ty con của LDG) làm chủ đầu tư. Dự án có tên thương mại LDG Grand Miền Trung, quy mô 29 ha, tổng vốn hơn 4.600 tỷ đồng.
Nhà đầu tư chật vật tìm cách thoát hàng
Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư cá nhân tại phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cũng tiếp tục rơi vào cảnh khốn khó, không ít trong số đó phải cắt lỗ trong bối cảnh thanh khoản ì ạch.
Gần 1 năm qua, anh Đặng Thanh Lâm tích cực rao bán 2 căn condotel ở khu vực Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), cắt lỗ gần 500 triệu đồng/căn so với thời điểm mua vào, vì cho thuê ảm đạm, thu không đủ bù chi. Đầu tháng 6/2024, anh bán được 1 căn, còn 1 căn tồn đến nay.
Cả 2 căn condotel trên, theo anh Lâm, được mua vào từ đầu năm 2019 theo dạng “đầu tư 0 đồng”, nghĩa là chủ đầu tư áp dụng chính sách hỗ trợ vay 100% vốn, lãi suất 0% trong 12 tháng đầu, cam kết lợi nhuận 11% năm, ân hạn nợ gốc tối đa 36 tháng, hỗ trợ phí trả nợ trước hạn.
Đủ các hứa hẹn cùng nhiều kỳ vọng nhưng đại dịch Covid-19 ập tới khiến toàn bộ hoạt động kinh doanh của anh Dũng gần như tê liệt trong 2 năm 2021, 2022. Chủ đầu tư viết “tâm thư” hủy cam kết lợi nhuận 11%/năm.
Sau dịch, du lịch phục hồi nhưng tỷ lệ lấp đầy tại cả 2 căn condotel của anh Lâm vô cùng phập phù, bình quân chỉ đạt 15-30%, thu không đủ bù chi, lãi ngân hàng đè nặng sau khi hết hạn ưu đãi. “Mọi chuyện cứ xấu dần đi, đến cuối năm ngoái thì tôi quyết định rao bán cả 2 căn, vừa để trả hơn 3 tỷ đồng tiền vay, vừa để thu hồi vốn”, nhà đầu tư gốc Hà Nội chia sẻ với VnBusiness.
Không chỉ ở Đà Nẵng, khó khăn cũng đang bao trùm thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở nhiều địa phương. Điển hình như ở Phú Quốc, sau thời làm mưa làm gió, thị trường rơi vào thế khó, thanh khoản rơi tự do, nhiều nhà đầu tư “mắc cạn” phải rao cắt lỗ.
Kết quả thăm dò của các đơn vị nghiên cứu cũng đang cho ra những “mẫu số chung” rất u ám của phân khúc nghỉ dưỡng trong thời gian qua. Nhiều nhà đầu tư đang vừa rao bán vừa ngóng tín hiệu tích cực của thị trường.
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng nhận định thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong các tháng đầu năm tiếp tục duy trì trạng thái trầm lắng và chưa có dấu hiệu phục hồi. Nguồn cung sơ cấp phần lớn đến từ tồn kho của các dự án cũ, còn lượng hàng mới rất hiếm hoi.
Có thể thấy, phân khúc nghỉ dưỡng vẫn đang đi lệch khỏi đường ray phục hồi chung của thị trường bất động sản vốn đang có nhiều tín hiệu tích cực hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đang có thêm các động lực để loại hình từng “vang bóng một thời” này có thể trở lại trong tương lai.
Nhìn nhận về sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng khi Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực, dự kiến nguồn cung sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng sẽ cải thiện khoảng 20% so với năm 2023.
Thời gian tới, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có nhiều tiềm năng bởi các chủ thể tham gia thị trường quay trở lại do những tác động tích cực của các bộ luật mới. Việc một số loại hình chủ lực trong phân khúc được cấp sổ hồng theo quy định cũng là động lực để phân khúc này lấy lại niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư.
Hưng Nguyên