Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong 5 tháng đầu năm, tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 14%, giảm 1,32% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là bởi nhà đầu tư và người mua ở thực chưa sẵn sàng vay tiền.
Chưa sẵn sàng hay không dám vay?
“Chưa sẵn sàng” là nguyên nhân được người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đưa ra, tuy nhiên, theo giới quan sát, cần nhìn nhận thực tế là nhiều người mua nhà ở thực đang “không dám” vay tiền, vì lãi suất đang neo quá cao, với mức bình quân 12-14%/năm.
Điển hình như trường hợp của anh Ngô Thanh Tùng. Vào đầu tháng 6/2023, sau khi tìm hiểu một căn hộ ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) được chủ nhà rao bán cắt lỗ 500 triệu đồng so với giá gốc, anh tiến hành "rải" hồ sơ tại 6 ngân hàng để tìm cơ hội vay 2 tỷ đồng.
Không còn quá khó khăn trong khâu thủ tục, nhưng mức lãi suất vẫn khiến anh bị “choáng”. Cụ thể, trong 6 ngân hàng, mức lãi suất 5%/năm tại một ngân hàng thương mại khiến anh tưởng như “chết đuối vớ được cọc” nhưng rồi lại thất vọng cùng cực bởi chỉ áp dụng cho 6 tháng vay đầu tiên, sau khi hết thời hạn ưu đãi, lãi suất cho vay sẽ cố định là 12%/năm.
Lãi suất cho vay mua nhà vẫn neo cao gây áp lực lớn cho người dân và cả doanh nghiệp. |
“Kể từ đầu tháng 3, dồn dập những thông tin lãi suất hạ nhiệt được tung ra, nhưng hạ ở đâu thì chưa thấy, ít nhất là với người vay mua nhà. Ở cả 6 ngân hàng mà tôi tìm hiểu, lãi suất vẫn neo ở mức 12-13,5% (sau ưu đãi), giảm chẳng đáng là bao so với mức đỉnh”, anh Tùng chia sẻ.
Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý II/2023 do Tập đoàn tư vấn bất động sản CBRE công bố ngày 4/7 cũng cho thấy, lãi suất cho vay mua nhà đã giảm nhẹ về 12-14% nhưng vẫn là mức lãi suất khá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân.
Không chỉ thất vọng vì lãi suất cho vay neo cao, nhiều người mua nhà còn đang lâm vào tình cảnh “dở khóc dở cười”, thậm chí chịu thiệt hại hàng tỷ đồng, phải bỏ cọc vì chủ đầu tư và ngân hàng “đứt gánh giữa đường”, những cam kết cho vay ưu đãi 0% không được áp dụng.
Như trường hợp của anh Tuấn, đang đặt cọc 3 tỷ đồng tại một dự án ở Quy Nhơn (Bình Định). Cách đây một năm, anh đăng ký mua vào 2 căn liền thổ trị giá gần 10 tỷ đồng, chủ đầu tư cam kết hỗ trợ lãi suất vay 0% trong 2 năm đầu tiên, tuy nhiên đến nay, thị trường "đóng băng", ngân hàng không cho vay nữa.
Bao giờ lãi vay giảm như kỳ vọng?
“Tin chủ đầu tư, tôi đóng vào 3 tỷ đồng như cam kết trong hợp đồng. Dự tính đến kỳ đóng tiền giai đoạn tiếp theo sẽ vay ngân hàng, nhưng nay ngân hàng không cho vay, tôi lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan, đòi lại cọc không được mà đóng tiếp thì không đủ khả năng”, anh Tuấn bộc bạch.
Có một thực tế dễ nhận thấy thời gian qua là các nhà băng ngày càng thận trọng hơn trong việc giải ngân cho các dự án bất động sản hình thành trong tương lai, do lo ngại nợ xấu, thậm chí dừng cho vay đối với một số dự án. Điều này khiến khả năng tiếp cận tín dụng của người dân càng bó lại.
Chia sẻ với Vnbusiness, chủ đầu tư một dự án chung cư quy mô hơn 600 căn hộ tại Hà Nội nhận định, trong thời gian tới, nếu lãi suất không giảm, việc tiếp cận vốn vay vẫn khó khăn và giao dịch vẫn đóng băng như hiện nay, thị trường sẽ có nguy cơ đổ vỡ. Nhiều chủ đầu sẽ tiếp tục "bùng" chính sách hỗ trợ lãi suất đã cam kết, và khách hàng chính là bên lãnh hậu quả.
Câu hỏi đặt ra là bao giờ lãi suất cho vay sẽ giảm như kỳ vọng? Theo giới chuyên gia, mặt bằng lãi suất năm 2023 đang được Ngân hàng Nhà nước cố gắng kiềm chế nhưng vẫn sẽ ở mức cao so với giai đoạn “dễ thở” 2016 - 2021. Nguồn vốn cũng được ưu tiên cho sản xuất, còn bất động sản vẫn bị kiểm soát chặt chẽ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dự báo lãi tiết kiệm hạ nhiệt có thể kéo theo lãi cho vay giảm. Tuy nhiên, mức giảm bao nhiêu thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng khi giá xăng, giá điện và nhiều chi phí tiêu dùng khác vẫn tiếp tục đi lên. Vì vậy, để lãi suất cho vay mua nhà hạ nhiệt, giảm về mức trên dưới 10% có thể sẽ cần thêm thời gian, ít nhất là phải chờ đến cuối năm 2023.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế - vĩ mô, giảng viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định lãi suất của Việt Nam đang ở mức đỉnh nhiều năm và sẽ trên đà đi xuống, song giảm nhanh hay chậm phụ thuộc quan điểm của nhà điều hành chính sách.
Ngoài ra, để tránh rủi ro, ông Phạm Thế Anh khuyến cáo người vay mua nhà cần đọc kỹ hợp đồng khi vay. Đặc biệt, người vay cần lưu ý những nội dung như lãi suất ban đầu, lãi suất thả nổi để có thể dự trù số tiền phải đóng trong tương lai.
"Khách vay thêm tiền có hai vấn đề cần lưu ý là lãi suất hiện tại rất cao và tốn rất nhiều chi phí khác để vay vốn. Chính vì vậy, người đi vay cần phải tính phương án giảm nợ, giảm lãi chứ không phải tăng nợ để nuôi lãi cũ", vị chuyên gia lý giải.
Hưng Nguyên