Cụ thể, tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết nhóm doanh nghiệp bất động sản có 148 dự án, với 189 nội dung vướng mắc, chiếm đa số trong các lĩnh vực.
“Tắc” từ khâu cấp chủ trương
Trong thời gian qua, thành phố đã chuyển giao 169 nội dung kiến nghị của doanh nghiệp địa ốc cho sở ngành, còn 20 nội dung đang rà soát sẽ tiếp tục có thông báo. Với nhóm 44 dự án đề nghị cấp chủ trương đầu tư, UBND thành phố đã nhận 24 và sẽ xem xét từng vụ việc để giải quyết.
Có thể thấy, vấn đề cấp phép chủ trương đầu tư đang được các địa phương, trong đó có TP.HCM đặc biệt quan tâm nhằm đảm bảo hiệu quả các dự án. Tuy nhiên, sự “lệch pha” giữa các quy định pháp lý, trong khi chưa có hướng giải quyết triệt để vẫn khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.
Minh chứng là vấn đề này đã từng nhiều lần được Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra tại các hội thảo, đơn kiến nghị gửi tới các bộ, ngành và Chính phủ. Một con số thống kê của HoREA có thể khiến nhiều người giật mình là trong hơn 2 năm qua, chỉ có 11 dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trong đó, năm 2021 thành phố giải quyết 7 dự án, năm 2022 giải quyết 2 dự án và tới 31/5/2023, giải quyết thêm 2 dự án. Đáng chú ý, đối với các dự án nhà ở xã hội cũng như dự án condotel, officetel… là con số không tròn trĩnh.
Doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn trong việc xin cấp phép chủ trương đầu tư. |
Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng có báo cáo gửi UBND TP.HCM về tình hình thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư hàng trăm dự án nhà ở trên địa bàn. Trong số 117 hồ sơ đang được thụ lý, có đến 62 dự án không đáp ứng đủ điều kiện làm nhà ở thương mại.
Nguyên nhân được sở này đưa ra là do dự án không có đất ở hoặc không nhận chuyển nhượng toàn bộ đất ở theo quy định của Luật Nhà ở 2014. Theo đó, Sở đề nghị UBND thành phố không chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án này vì không đáp ứng được điều kiện để được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án nhà ở theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở.
Ngay cả với 55 dự án còn lại, dù được thụ lý hồ sơ, nhưng vẫn có 3 dự án gặp vướng mắc về quy định pháp luật, 3 dự án đang bị thanh kiểm tra và 49 dự án có các vướng mắc khác thuộc thẩm quyền giải quyết của TP.HCM.
Cần đẩy nhanh tiến độ gỡ vướng
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận định vướng mắc lớn nhất trong việc xin chủ trương đầu tư, bên cạnh vấn đề đất ở như Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu ra, còn liên quan đến Nghị định 31 về hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đầu tư.
Các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư phải hợp với quy hoạch theo điều 31 của Nghị định, song hiện các bộ đang chưa thống nhất được phương án tháo gỡ triệt để điểm vướng này, hậu quả là doanh nghiệp phải “chịu trận”.
"Không được phê duyệt chủ trương đầu tư thì doanh nghiệp không làm được thủ tục phê duyệt tỷ lệ 1/500, hay các thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng, thủ tục tính nghĩa vụ tài chính của dự án… tức là bước khởi đầu là tắc rồi", ông Châu nói với báo giới cuối tuần qua.
Có thể thấy, từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng, doanh nghiệp bất động sản thời gian qua liên tục than đủ đường. Tuy nhiên, không thể phủ nhận công tác tháo gỡ của bộ ngành, địa phương đang có những hiệu quả tích cực.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, tính đến cuối tháng 6, có 71 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương, người dân liên quan đến 121 dự án bất động sản đã được xử lý, giải quyết.
Vị lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng nêu rõ các vướng mắc của dự án bất động sản còn có liên quan đến các địa phương, nổi lên những dự án còn nhiều khó khăn ở những địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai và một số địa phương phía Nam đang còn một số vướng mắc liên quan trình tự, thủ tục đầu tư.
Hiện, Bộ Xây dựng đã trình sửa đổi các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ liên quan đến các vướng mắc, thủ tục của thị trường bất động sản. Trong khi đó, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với các địa phương rà soát các dự án, trong đó TP.HCM rà soát 180 dự án, Hà Nội rà soát 170 dự án, Đà Nẵng rà soát 75 dự án, Hải Phòng 65 dự án, Cần Thơ 79 dự án...
Chuyển biến là có, song theo giới phân tích, tốc độ gỡ vướng vẫn cần đẩy nhanh tốc độ hơn bởi các doanh nghiệp đang ở giai đoạn đuối sức. Minh chứng là số lượng doanh nghiệp thành lập mới chỉ bằng phân nửa doanh nghiệp giải thể.
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DKRA, nhấn mạnh ách tắc lớn nhất hiện tại là pháp lý, trong đó đầu bảng là đền bù, tiền sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, đất công xen kẽ trong các dự án…
Riêng ở TP.HCM, theo ông Lâm, từ năm 2022 đến nay liên tục hô hào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng thực tế vẫn chưa có một kết quả nào rõ ràng.
“Những khó khăn của doanh nghiệp đang rất nghiêm trọng, nên nếu không thể khơi thông về dòng tiền thì việc đẩy nhanh tốc độ gỡ khó về cơ chế, chính sách là giải pháp tối cần thiết lúc này”, đại diện DKRA cho hay.
Hưng Nguyên