Trong khi các địa phương vẫn áp dụng bảng giá, cách tính nghĩa vụ tài chính cũ, TPHCM lại nhanh chóng đưa ra lấy ý kiến về dự thảo bảng giá đất điều chỉnh. Giá trong bảng giá đất dự kiến điều chỉnh tăng rất cao so với bảng giá đất cũ, mức tăng nhiều nơi từ 10 - 30 lần, cá biệt có nơi tăng 51 lần.
Điều này khiến cho người dân lo lắng. Nhiều người, khi nghe tin giá đất tăng nên họ tranh thủ đi nộp hồ sơ, lấy biên nhận để được hưởng mức tính thuế cũ...
Trước thực trạng trên, một số chuyên gia cho rằng, việc xây dựng bảng giá đất mới là cần thiết nhưng phải thận trọng. Cụ thể, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - cho rằng, dự thảo xây dựng bảng giá đất mới thay thế chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế, tạo áp lực tài chính lớn, đặc biệt là đối với người dân. Bởi lẽ, tại các huyện trên địa bàn đang có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở, đất để cho con cái xây nhà, an cư của người dân tại các huyện là khá lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng bảng giá đất mới là cần thiết nhưng phải thận trọng và đảm bảo quyền lợi của người dân. |
Việc giá đất tăng mạnh chỉ sau khoảng thời gian ngắn như trên có thể gây ra phản ứng tiêu cực trong cộng đồng, đặc biệt đối với những hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại các khu vực ngoại ô, vùng ven thành phố và những nơi đang có quy hoạch, dự án bất động sản, LS Nguyễn Văn Hậu nêu quan điểm.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cũng mới có văn bản đề nghị cơ quan soạn thảo nên đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để thấy rõ hơn vì sao tại thời điểm hiện nay chưa nên ban hành bảng giá đất, mà nên thực hiện theo quy định bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025 và nên tập trung xây dựng bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026.
Liên quan chủ đề trên, tham luận tại Hội thảo “Động lực mới, cơ hội, thách thức từ Luật Đất đai 2024 và các Luật liên quan” tổ chức ngày 15/8 tại Hà Nội, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên Đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho hay, một trong những điểm mới của Luật Đất đai 2024 là quy định về khung giá đất đã được loại bỏ. Luật mới ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất.
Luật Đất đai năm 2024 cho phép bảng giá đất hiện tại do UBND cấp tỉnh ban hành được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Nếu áp dụng bảng giá này thì các địa phương vẫn được sử dụng "hệ số K" để giải quyết cho từng trường hợp cần thiết và cụ thể. Luật Đất đai năm 2024 không cấm các tỉnh, thành sử dụng bảng giá đất cũ để tính tiền SDĐ, trong đó có hồ sơ chuyển mục đích SDĐ.
Theo ông Chính, vừa qua, mới chỉ có TP. Hồ Chí Minh điều chỉnh bảng giá đất mới, tuy mức giá được cho là khá cao nhưng phản ánh đúng thị trường, căn cứ vào nguyên tắc của thị trường.
"Về cơ bản, mức giá đất mới áp dụng cần phải đáp ứng những yếu tố thị trường và đảm bảo quyền lợi của người dân có quyền sử dụng đất. Mức giá đất phải được giải quyết đồng bộ, đảm bảo sự rạch ròi, minh bạch giữa thu về và mức giá bồi thường cho người dân", ông Chính nhấn mạnh.
Cũng theo ông Chính, thời gian qua, nhiều dự án bất động sản không triển khai được do ách tắc từ công tác định giá đất. Trong khi đó, giá đất được tính từ thời điểm giao đất cho người dân và hoạt động thuê đơn vị định giá cũng không hề dễ, nên việc định giá dễ chậm triển khai.
“Tôi rất hiểu và chia sẻ trước những lo ngại của người dân. Tuy nhiên, về thuế thu nhập của người dân thì cũng tính theo thu nhập của người dân. Còn về mức thuế đất thì theo Nghị định 103 Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành, cũng có thay đổi phù hợp với mặt bằng” – ông Chính nói thêm.
Hồng Hương