Theo kết luận thanh tra toàn diện 9 dự án do CTCP thương mại và dịch vụ Lã Vọng (CTCP Lã Vọng) và các đơn vị thành viên đầu tư tại Hà Nội vừa được thanh tra Chính phủ công bố cho thấy, doanh nghiệp này từ một doanh nghiệp ít tên tuổi được Tp. Hà Nội “ưu ái” chỉ định nhiều dự án đầu tư và được sở hữu hàng loạt ô đất vàng giữa Thủ đô.
Trong số 9 dự án đã được thanh tra theo yêu cầu của Thủ tướng, có 5 dự án do Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên thực hiện làm chủ đầu tư; 4 dự án khác thực hiện hợp tác đầu tư và thuê mặt bằng kinh doanh. Hầu hết các dự án được thanh tra đều phát hiện có vi phạm, với nhiều mức độ. Một trong những dự án dính nhiều sai phạm nhất là dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6.
Theo đó, tháng 2/2017, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) được UBND thành phố Hà Nội cho phép hợp tác liên doanh với CTCP Sông Đà Hà Nội, CTCP thương mại Ngôi nhà mới thuộc Tập đoàn Lã Vọng và CTCP Đầu tư phát triển và dịch vụ Đại An thực hiện dự án đầu tư cải tạo nâng cấp quốc lộ 6. Các bên tiến hành thành lập pháp nhân mới lấy tên CTCP Louis Group để thực hiện dự án.
Công ty Louis được chỉ định là nhà đầu tư thực hiện dự án BT có chiều dài 20,9km, tổng vốn đầu tư khoảng 8.700 tỉ đồng, đổi lại Hà Nội dự kiến thanh toán cho công ty Louis 39 ô đất, diện tích khoảng 343ha khi làm dự án BT này.
Thanh tra Chính phủ CTCP Lã Vọng có nhiều sai phạm liên quan đến 9 dự án tại Hà Nội (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra, quy mô dự án bổ sung đoạn tuyến Ba La -Chúc Sơn và chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án BT, khi quy mô dự án đã thay đổi là vi phạm Nghị định 30 về đấu thầu dự án.
Tại dự án cải tạo môi trường hồ Đầu Băng (quận Long Biên), Thanh tra Chính phủ phát hiện việc triển khai nạo vét hồ và một số hạng mục phụ trợ theo phương án vừa thiết kế vừa thi công, thiếu phê duyệt dự án, tổng mức đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công- dự toán công trình trước khi thi công.
Cũng trong khoảng thời gian này, thông qua các công ty thành viên là công ty Louis và công ty Ngôi Nhà Mới, CTCP Lã Vọng cũng góp vốn cùng Tổng công ty Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) để thực hiện dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, rộng 23,8ha tại quận Hoàng Mai.
Ba nhà đầu tư này đã góp 300 tỉ đồng thành lập ra CTCP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai để thực hiện khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ.
Theo kết luận thanh tra, việc giao UDIC thực hiện dự án không qua đấu thầu là sai quy định pháp luật.
Hơn nữa, đến thời điểm thanh tra, TP Hà Nội đã giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai 7,61ha để thực hiện dự án nhưng chưa thu tiền sử dụng đất.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, đối với dự án tại ô đất DX1, DX2, DX3, DX4 và CX2 Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng: Đây là dự án từng khiến dư luận bức xúc khi phần lớn diện tích được phê duyệt xây dựng bãi đỗ xe, cây xanh trong khu đô thị đã biến thành nhà hàng của CTCP Lã Vọng.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, đối với dự án tại ô đất DX1, DX2, DX3, DX4 và CX2 Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, việc lựa chọn nhà đầu tư không thực hiện thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; giao dự án không thông qua đấu giá, vi phạm quy định của Chính phủ hướng dẫnthực hiện luật Đất đai 2003 đối với thuê đất đã giải phóng mặt bằng có Quy hoạch chi tiết 1/500.
UBND Tp. Hà Nội cũng không tính lại đơn giá thuê đất phần xây dựng sai quy hoạch làm tăng hệ số sử dụng đất. Ngoài ra, Sở Tài chính Hà Nội căn cứ vào kết quả kiểm toán giá trị đầu tư hạ tầng toàn bộ khu đô thị năm 2012 là 102,33 tỉ đồng để phân bổ chi phí hạ tầng cho tổng diện tích 29,73 ha các ô đất, đơn giá chi phí hạ tầng là 344.226 đồng/m2, để tính tiền suất đầu tư hạ tầng phải nộp năm 2016, là không có cơ sở.
Cũng theo kết luận thanh tra, trong 9 dự án liên quan đến CTCP Lã Vọng, có 3 dự án thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng trong các năm 2017-2018, việc kê khai và nộp thuế của 3 dự án này là 217 tỉ đồng/2.913 tỉ đồng tổng doanh thu.
Minh Sơn