Trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2014, Bộ Xây dựng đã chỉ ra một số hạn chế xuất hiện trên thị trường thời gian qua, điển hình là vấn đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ môi giới thừa số lượng nhưng lại thiếu về chất lượng.
Bộ Xây dựng đã chỉ ra một số hạn chế trong hoạt động môi giới BĐS và cần siết lại nội dung này trong dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 (Ảnh: TL) |
Theo đó, đội ngũ môi giới BĐS vẫn còn hiện tượng hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức pháp luật căn bản trong lĩnh vực này, nặng tính "chụp giật", kiếm lời, chưa tôn trọng khách hàng, gây thiệt hại cho khách hàng dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.
Mặt khác, theo Bộ Xây dựng, do một số quy định pháp luật quản lý hoạt động môi giới hiện nay còn khá lỏng lẻo dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân môi giới có cơ hội "lách luật" trốn thuế.
Thứ nhất là Luật Kinh doanh BĐS 2014 quy định điều kiện các tổ chức, cá nhân được kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, điều kiện được thi sát hạch về trình độ hiểu biết pháp luật, kỹ năng hoạt động môi giới BĐS quá dễ dàng, không quy định buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới BĐS.
Thứ hai, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 quy định cá nhân chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện có chứng chỉ hành nghề và đăng ký nộp thuế là có thể thực hiện dịch vụ môi giới BĐS. Do đó, họ hoàn toàn có thể tự do hành nghề ở bất kỳ đâu.
Thứ ba, quy định chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề còn quá nhẹ so với hậu quả khi xảy ra sai phạm (phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu). Mức xử phạt này, theo Bộ Xây dựng, mới chỉ dừng lại ở mức độ răn đe dẫn đến việc người môi giới không coi trọng chứng chỉ môi giới.
Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ các tồn tại, hạn chế về kinh doanh sàn giao dịch BĐS. Điển hình như trên cả nước đã có khoảng 1.600 sàn giao dịch BĐS được thành lập và đa phần các sàn giao dịch BĐS có quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao, năng lực tài chính thấp, điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân sự còn yếu, chưa chú trọng xây dựng tiêu chuẩn, quy trình quản lý và cung cấp dịch vụ chất lượng.
Hầu hết các sàn BĐS chỉ làm chức năng quảng cáo cho các chủ đầu tư và làm môi giới chứ chưa thực hiện hết chức năng của mình như: báo cáo thông tin tình hình giao dịch BĐS, kiểm tra tính pháp lý của các sản phẩm BĐS trước khi đưa vào giao dịch….
Một số sàn giao dịch nhỏ và vừa không đủ năng lực cả về tài chính và quản lý dẫn đến tình trạng không chống chọi được với những khó khăn của thị trường, do đó đã không thể tiếp tục các hoạt động kinh doanh, không thanh toán được chi phí môi giới… dẫn đến việc nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa.
Bên cạnh đó, tình trạng "ôm" hàng, "thổi giá" ăn chênh lệch gây lũng đoạn thị trường còn diễn ra rất phổ biến.
"Việc giám sát hoạt động các sàn lâu nay đang bị buông lỏng, rất nhiều sàn thành lập ra rồi đóng cửa nhưng không báo cáo Sở Xây dựng khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn", Bộ Xây dựng cho hay.
Trước thực tế nêu trên, để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Hồ sơ đề nghị sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Bộ Xây dựng đã đề xuất một số hướng sửa đổi nhằm đảm bảo cho tổ chức, cá nhân thực hiện môi giới được chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng trong tư vấn, môi giới BĐS.
Theo đó, sẽ sửa đổi, bổ sung quy định phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.
Đồng thời, bổ sung các quy định quản lý các cá nhân hoạt động môi giới BĐS, bổ sung quy định hình thức quản lý đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài hành nghề môi giới tại Việt Nam, sửa đổi bổ sung quyền và nghĩa vụ của môi giới BĐS, sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.
Về sàn giao dịch BĐS, Bộ Xây dựng sửa đổi bổ sung pháp luật kinh doanh BĐS theo hướng: sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện về năng lực tài chính đối với việc thành lập sàn giao dịch BĐS; bổ sung quy định về chế độ báo cáo của sàn giao dịch BĐS; bổ sung quy định các mô hình sàn giao dịch BĐS, sửa đổi, bổ sung quy định bắt buộc các giao dịch BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục giao dịch qua sàn, sửa đổi, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, các nhân tham gia sàn giao dịch BĐS...
Liên quan đến vấn đề này, trước đó trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho rằng, VARS đã có đề xuất Chính phủ, Bộ Xây dựng ban hành lại quy định giao dịch các sản phẩm BĐS phải qua sàn giao dịch như trước kia, bởi sau vụ việc Alibaba giao dịch không qua sàn nên khách hàng không có cơ sở thẩm định, kiểm tra thông tin về dự án. Những đơn vị bán hàng không qua sàn đều không được chấp nhận, vì như vậy là trái quy định. Ông Đính khẳng định mục đích của đề xuất không nhằm tạo sự độc quyền trong bán hàng của môi giới, mà chỉ nhằm tăng tính minh bạch cho thị trường.
Hải Sơn