Chiều 25/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại phiên họp, nhiều ý kiến “nóng” đã được đưa ra thảo luận xoay quanh một trong những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay trên thị trường bất động sản là xây dựng nhà ở giá rẻ cho người có thu nhập thấp.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương không đồng tình với việc để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Lý do là bởi, Tổng Liên đoàn Lao động không có lực lượng đủ mạnh để đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư dự án.
Theo đó, ông Trần Quang Phương đề nghị để Tổng Liên đoàn Lao động làm đúng chức năng nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội là giám sát, phản biện xã hội, tham mưu chính sách công nhân cho tốt. Tổng Liên đoàn Lao động là đại diện cho quyền làm chủ của công nhân nhưng không có nghĩa là bất cứ cái gì cũng làm.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương không đồng tình với việc để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. |
“Tổ chức chính trị - xã hội không nên "ôm" việc này mà nên giao cơ quan hành chính như UBND cấp tỉnh làm. Cũng là nguồn lực của Nhà nước thôi, nhưng với tình hình tinh giản biên chế như bây giờ, không có đủ người làm việc này đâu", ông Phương phát biểu tại phiên họp chiều nay.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đây là vấn đề cần phải được tính toán kỹ lưỡng, bởi nếu không hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ có thể bị xử lý vi phạm.
Trong khi đó, khi đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh lại cho rằng đề xuất này cũng tốt nhưng Tổng Liên đoàn nên có đề án rõ ràng hơn nữa để gia tăng tính thuyết phục.
Lý do bà Thúy Anh đưa ra là vì Tổng Liên đoàn Lao động là tổ chức được quy định trong hiến pháp, nếu được giao nhiệm vụ đầu tư phát triển nhà ở xã hội thì cơ quan này cũng thể hiện được chức năng hỗ trợ công nhân một cách thiết thực nhất.
Dưới góc nhìn của người hành nghề liên quan đến lĩnh vực pháp luật trong nhiều năm liền, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM từng chia sẻ với báo chí rằng nếu làm chủ đầu tư dự án nhà ở, dù là để phục vụ cho công nhân, thì cũng là cơ quan này đang tham gia vào hoạt động kinh tế.
“Điều này có nghĩa, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thu phí của người lao động bảo vệ quyền lợi của người lao động nhưng với kinh phí này chuyển sang kinh doanh làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; cạnh tranh với doanh nghiệp bất động sản; đây là điều bất hợp lý. Như vậy, dù mục tiêu hành động là tốt, nhân văn nhưng vẫn trái tôn chỉ, mục đích của Tổng Liên đoàn thì cần xem xét lại”, luật sư Phượng thẳng thắn nói.
Trên thực tế, xoay quanh quy định để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo đề xuất của cơ quan này, vẫn đang tồn tại song song cả 2 luồng ý kiến tán thành và không tán thành. Do đó, vẫn cần có thêm nhiều ý kiến đóng góp cùng sự thảo luận, nghiên cứu để đi đến kết luận cuối cùng.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu Tổng Liên đoàn Lao động thực sự quyết tâm làm thì có thể chỉnh lý lại quy định tại dự thảo luật theo hướng: Tổng Liên đoàn Lao động được tham gia đầu tư nhà ở xã hội để cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê, thông qua doanh nghiệp trực thuộc có chức năng sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh: “Dù có giao đi nữa thì cũng không thể để vênh với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư”.
Hà Trang