Tại phiên thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 19/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển (Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp) cho biết, phát triển và quản lý nhà ở xã hội là một trong tám nhóm chính sách quan trọng, song vẫn còn những vướng mắc trong thực tiễn.
Tăng ưu đãi cho người dân
Cụ thể, theo ông Hiển, chính sách mà dự thảo đang đi theo có 2 vướng mắc chính. Thứ nhất là đang cố gắng bảo đảm cho người có thu nhập thấp và đối tượng chính sách được hưởng sở hữu nhà ở xã hội thay vì bảo đảm cho người dân có quyền có chỗ ở hợp pháp.
Trong khi nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức với đại bộ phận người có thu nhập thấp, dù trả góp vẫn là gánh nặng tài chính quá lớn. Điều đó dẫn đến tình trạng người đủ điều kiện thì không mua được, người không đủ điều kiện, thu nhập cao, lại tìm cách “lách” để đầu cơ.
Cần đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc để hóa giải nghịch lý "vừa thiếu, vừa thừa" nhà ở xã hội. |
Vướng mắc thứ hai, theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển, là việc không tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý, vận hành nhà ở xã hội. Trong đó, quá chú trọng đến ưu đãi dành cho bên cung - nhà đầu tư hơn là bên cầu - những người có thu nhập thấp.
Theo đó, đại biểu đoàn Lâm Đồng đề nghị, chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.
Cũng trên nghị trường Quốc hội ngày 19/6, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) đề nghị mở rộng hơn khái niệm nhà ở xã hội. Đặc biệt, cần tránh quan điểm bất thành văn nhà ở xã hội là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng với chất lượng kém, không đảm bảo các điều kiện sử dụng cho người dân.
"Quyền có chỗ ở an toàn tốt hơn luôn là nhu cầu chính đáng. Nhà nước nên chăng sử dụng các công cụ thuế, tín dụng, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách, chính sách đất đai để bù vào giá trị cần đầu tư tăng thêm trên nguyên tắc kinh tế thị trường. Từ đó để giảm giá bán, giá thuê nhà cho các đối tượng chính sách và coi đây là nguồn vốn đầu tư cho an sinh xã hội", ông Thành gợi mở.
Giảm nguy cơ “ế” nhà
Chính phủ và các địa phương đang đặt nhiều tâm huyết vào đề án xây dựng hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhằm giảm “cơn khát” cho người dân. Tuy nhiên, những bất cập về chính sách và vấn đề chất lượng như các đại biểu nêu ra trên nghị trường Quốc hội khiến thị trường đang xảy ra nghịch lý “vừa thừa, vừa thiếu”.
Minh chứng là thời gian qua, dù cầu vẫn đang vượt rất xa cung, song không ít dự án nhà ở xã hội sau khi hoàn thành không thể bán được do những vấn đề về vị trí, chất lượng, tiện ích và cả giá bán.
Đơn cử, Tổ hợp dự án nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (huyện Hoài Đức, Hà Nội) mới đây thông báo chuẩn bị tiếp nhận hồ sơ mua nhà đợt thứ 27. Trước đó, tại lần mở bán thứ 26 vào tháng 4/2023, dự án này thông báo vẫn còn 42 căn chưa bán được và 86 căn chưa có người thuê.
Trao đổi với Vnbusiness, ông Quân, đại diện chủ đầu tư một dự án quy mô 450 căn hộ tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho hay, làm nhà ở xã hội rất khó, và không phải cứ làm ra là bán được. Dù dành cho người thu nhập thấp, nhưng chất lượng và vị trí vẫn phải đảm bảo.
Thời gian qua, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội được hỗ trợ về quỹ đất, nhưng vì các địa phương thiếu sự quan tâm nên nhiều doanh nghiệp phải xếp hàng chờ “dài cổ” vẫn không đến lượt, hoặc có đơn vị sau khi được gọi tên thì được bố trí quỹ đất quá xấu, có tiền cũng không dám nhận vì sợ làm xong bán không ai mua.
“Biết là đất ưu đãi thì không nên đòi hỏi nhiều, nhưng ít ra thì cũng cần có những điều kiện tối thiểu là có đường giao thông kết nối, không quá xa các khu dân cư, công sở, trường học. Hoang vắng quá thì khó thu hút dân đến ở, doanh nghiệp tâm huyết cũng không dám làm”, ông Quân chia sẻ.
Có thể thấy, các chính sách phát triển nhà ở xã hội đang được đẩy mạnh, tuy nhiên, để hóa giải nghịch lý “vừa thừa, vừa thiếu”, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp thì “ế” trong khi người dân lại mòn mỏi xếp hàng đợi, các chuyên gia khẳng định cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định.
TS. Trần Xuân Lượng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đề xuất 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất, cần có quỹ đất sạch bố trí cho nhà đầu tư. Thứ hai, giảm các thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội; ưu tiên về pháp lý, thủ tục thẩm tra, thẩm định. Thứ ba, tháo gỡ các vấn đề về nguồn vốn, ngoài nguồn vốn từ bán nhà ở hình thành trong tương lai, huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài, từ lượng kiều hối… Thứ tư, giảm lãi suất ưu đãi xuống thấp hơn.
Trong khi đó, theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Luật Nhà ở sửa đổi lần này cần theo hướng Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi về quỹ đất đai. Các chính sách về quỹ đất phải đủ mạnh để phát triển nhà ở xã hội.
Chính sách phát triển nhà ở xã hội là chính sách kinh tế nhân văn mang tính chất ổn định an sinh xã hội, không phải từ thiện. Dù là sản phẩm cho người có thu nhập trung bình thì quỹ đất sạch cũng cần thỏa mãn điều kiện về an sinh, bởi vậy nên là đầu tư công, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Hưng Nguyên