UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 171/KH-UBND về việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và thúc đẩy giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong thời gian tới là kiện toàn, phân công thành viên Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thành phố, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Trên cơ sở Đề án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội, sau khi hoàn chỉnh, được phê duyệt, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục ban hành các kế hoạch, giải pháp, nhiệm vụ, đồng bộ với Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ. Trong đó, sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ theo các đối tượng, phân loại quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021.
Hà Nội sẽ dành 500 tỷ đồng để tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng chung cư cũ trên địa bàn. (Ảnh: TL). |
Cùng với đó là xây dựng và ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021- 2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định để triển khai thực hiện quy trình tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, dự án đầu tư.
Thành phố cũng sẽ xây dựng và ban hành Kế hoạch và bố trí nguồn vốn ngân sách lập các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tổng mặt bằng, đề án quy gom theo 3 mô hình cấp độ: Khu chung cư cũ (quy mô lập quy hoạch chi tiết >2ha); Nhóm chung cư cũ (quy mô lập tổng mặt bằng
Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư quy định 03 hình thức lựa chọn, gồm: Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn, đấu thầu lựa chọn, Nhà nước thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách (Điều 113 Luật Nhà ở).
Ngoài ra, Thành phố sẽ sử dụng quỹ nhà tái định cư có sẵn; đầu tư xây dựng nhà tạm cư, nhà tái định cư (phục vụ tạm cư) mới bằng vốn ngân sách, nhà ở thương mại, sử dụng quỹ nhà ở xã hội kết hợp; rà soát quỹ đất trống trong các khu chung cư cũ có khả năng giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng tạo lập quỹ nhà tạm cư tại chỗ.
Đồng thời, thực hiện các chính sách về ưu đãi đầu tư (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất; áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp; lệ phí trước bạ đối với diện tích nhà ở phục vụ tái định cư tại chỗ cho các hộ dân...).
Theo UBND Thành phố Hà Nội, mục đích của kế hoạch là nhằm đề xuất được một số giải pháp kịp thời nhằm giải quyết tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố, đảm bảo sự an toàn, tính mạng và tài sản, tái định cư, ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ phục vụ tái định cư, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng bộ kết nối với các khu chức năng đô thị hiện hữu, phát huy tối đa nguồn lực đất đai đô thị, nhằm làm thay đổi cơ bản nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống, nâng cao giá trị kiến trúc cảnh quan, hướng tới đô thị xanh, văn minh hiện đại, bền vững…
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, tại thời điểm năm 2020, trên địa bàn Thành phố có khoảng 1.579 chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ) chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến 1994 (một số ít nhà xây dựng trước năm 1954) tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử.
Hiện trạng quản lý, sử dụng phức tạp, đan xen trách nhiệm, quyền sử dụng giữa tư nhân, tổ chức, nhà nước; một số khu có xen kẽ các công trình nhà ở thấp tầng, trụ sở cơ quan, văn phòng, dịch vụ thương mại, hạ tầng xã hội (trường học, cơ sở y tế...), diện tích căn hộ chung cư cũ nhỏ; quá tải số người, không đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng. Nhiều hộ dân tự sửa chữa, cơi nới, lấn chiếm không gian chung, đồng thời do không được duy tu bảo trì thường xuyên, công trình và hệ thống hạ tầng hư hại, xuống cấp, nguy hiểm kỹ thuật kết cấu công trình và an toàn cho người dân.
Trong khi đó, qua rà soát, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, thành phố hiện có 200 nhà nguy hiểm cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D.
PV