Dự án Khu biệt thự sinh thái Foresa Villa của Tasco bỏ hoang nhiều năm |
Trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm dự án "treo", bỏ hoang hàng chục năm. Trong đó có những căn biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng đã xây dựng xong mà không có người về ở, nhiều căn biệt thự đã rêu phong, xuống cấp.
“La liệt” dự án bỏ hoang
Chỉ dạo qua một vòng khu vực đường vành đai 3,5, đường 70 và Quốc lộ 32 đã thấy hàng chục dự án hoang tàn, cỏ mọc um tùm. Đơn cử như trên mặt đường Lê Trọng Tấn kéo dài (xã An Khánh, Hoài Đức), cách Đại lộ Thăng Long chỉ vài trăm mét, khu đô thị (KĐT) Thiên Đường Bảo Sơn từng gây “cơn sốt” với nhiều nhà đầu tư bất động sản và những người có nhu cầu nhà ở cao cấp nhiều năm về trước, hàng trăm căn biệt thự to nhỏ bỏ hoang, thi thoảng mới nhìn thấy bóng người.
Cách đó không xa, những căn biệt thự trong KĐT Geleximco cũng trong tình trạng tương tự. Một số giăng biển quảng cáo choán toàn bộ mặt tiền tầng 2, tầng 3 khiến bộ mặt đô thị vô cùng nhếch nhác.
Trên đường 70 thuộc phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, tại dự án Khu biệt thự sinh thái Foresa Villa của Công ty cổ phần TASCO, phần lớn các căn biệt thự đã hoàn thiện đều cửa đóng then cài. Nhiều dãy biệt thự còn chưa được hoàn thiện, cây cỏ mọc lút lối đi.
Hay như tại phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), 44 căn biệt thự đồ sộ cũng đang bị bỏ hoang. Nhiều người dân đi qua đây không khỏi tiếc rẻ bởi vị trí “vàng” của dự án này. Dự án có tên Làng du lịch Đoàn Kết, chủ đầu tư là Công ty TNHH Làng Đoàn Kết, được khởi công vào ngày 16/7/2014 với tổng diện tích 18.000 m2, tổng giá trị hợp đồng 223 tỷ đồng.
Tương tự tại dự án Khu biệt thự Vườn Cam (Orange Graden) trên địa bàn huyện Hoài Đức do CTCP VinaPol làm chủ đầu tư thực hiện từ năm 2007. Đến năm 2015, dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500. Từ năm 2019, dự án được "tái khởi động" khi chủ đầu tư cho xây dựng các căn biệt thự, nhà vườn...
Theo đó, Khu biệt thự Vườn Cam có quy mô dân số khoảng 7.000 người, được thiết kế xây dựng gồm 162 lô biệt thự song lập, 260 lô biệt thự đơn lập tiêu chuẩn, 174 lô biệt thự đơn lập cao cấp, 25 lô biệt thự nhà vườn cao cấp, mỗi lô có diện tích từ 200-800 m2.
Trên thực tế, hiện nay tại nhiều KĐT trên địa bàn Hà Nội vẫn đang tồn tại không ít căn biệt thự đã xây thô rồi bỏ không nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực đất đai của Nhà nước.
Song song đó, việc đánh thuế biệt thự bỏ hoang, mua rồi để đấy không sử dụng vừa gây mất mỹ quan, lại vô cùng lãng phí cũng đã được đưa ra từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa có đáp án cuối cùng.
Điều tiết bằng thuế
Trao đổi với VnBusiness về các dự án bỏ hoang, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, KĐT bỏ hoang gây lãng phí lớn cho xã hội, là một trong vấn đề cần có cơ chế chính sách giải quyết để sử dụng hợp lý.
Thông thường, người mua nhà đều có nhu cầu sử dụng, hoặc là cho thuê, hoặc là đầu tư sinh lời, nhưng phải bỏ không vì kết nối hạ tầng chưa tốt, điện - đường - trường - trạm chưa khai thông… Người mua nhà muốn ở không được, muốn cho thuê cũng không xong.
Theo ông Thịnh, nếu mua nhiều bất động sản rồi để không thì nên đánh thuế người sở hữu căn hộ. Trường hợp nếu chỉ là căn nhà thứ hai thì cần đánh thuế chính chủ đầu tư - là căn nguyên để KĐT bỏ hoang, chứ không phải đánh thuế người sở hữu căn hộ và người mua để đầu tư.
“Biện pháp đánh thuế có lẽ hợp lý nếu sở hữu nhiều, nhà không sử dụng phải đánh thuế. Các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần có nghiên cứu kỹ để đưa ra chính sách, đề xuất chính sách thấu đáo vừa có cơ sở khoa học vừa có thực tiễn”, chuyên gia này nêu quan điểm.
Theo ông Thịnh, trong trường hợp đánh thuế căn hộ bỏ hoang thì cơ quan quản lý cần đánh thuế tương xứng với giá trị coi như nhà chưa sử dụng; còn trường hợp mua để đó, không sử dụng thì đánh thuế như cho thuê.
Trước đó, vào năm 2012, UBND TP Hà Nội từng đề xuất Bộ Tài chính thực hiện việc đánh thuế hoặc xử phạt các chủ sở hữu nhà bỏ hoang. Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên. Thế nhưng, hiện nay mới chỉ có quy định đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15%, mà chưa có quy định nào đối với nhà, biệt thự bỏ hoang.
Trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra vấn đề cần có chiến lược chủ động phát triển thị trường bất động sản, trong đó coi trọng phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải điều tiết bằng quản lý nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng…
Hải Sơn