Hiện nay, theo ông Bình, bất động sản du lịch vẫn thuộc về sự quản lý của ngành xây dựng, nhưng tại sao lại gắn chữ “du lịch” vào đây? Tại sao ngành du lịch không được có ý kiến gì về việc này? Khi xây xong thì ai vào đây ở? Nếu khách du lịch vào ở thì các bất động sản du lịch phải đạt tiêu chuẩn phục vụ của ngành du lịch.
Tìm giải pháp gắn kết ngành du lịch và xây dựng trong việc phát triển bất động sản du lịch (Ảnh: Int) |
“Nếu đó chỉ là bất động sản thuần túy thì họ cứ việc đầu tư, chẳng ai cấm cả, nhưng phải bỏ chữ “du lịch” đi. Còn nếu gắn chữ “du lịch” vào đó thì phải theo chuẩn của du lịch và khách du lịch phải được tiếp cận các bất động sản đó, thậm chí những người làm du lịch cũng phải tiếp cận các sản phẩm đó để phục vụ ngành du lịch. Chứ có những bất động sản không liên quan gì đến du lịch, không đóng góp cho sự phát triển của du lịch thì gọi là bất động sản du lịch để làm gì?”, ông Bình nêu vấn đề.
Vì vậy, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thống nhất với Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức hội thảo về bất động sản du lịch trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Đà Nẵng 2022 (diễn ra vào 9-11/12), nêu rõ những khó khăn, thách thức và giải pháp nhằm gắn kết hai ngành du lịch và xây dựng trong việc phát triển bất động sản du lịch.
Hội thảo cũng sẽ nghe kinh nghiệm quản lý và khai thác bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở một số trung tâm du lịch trong nước và nước ngoài, thảo luận các giải pháp, đề xuất các chính sách phù hợp đối với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nhằm góp phần ngày càng phát triển loại hình bất động sản này, đưa Việt Nam trở thành điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu trong khu vực và thế giới.
“Quan điểm của chúng tôi là cần phải ban hành tiêu chí về bất động sản du lịch. Khi nào các nhà đầu tư bất động sản đạt được tiêu chí phục vụ của ngành du lịch thì sẽ gọi đó là bất động sản du lịch, thậm chí cơ quan quản lý du lịch còn treo biển “bất động sản du lịch” cho dự án đó; còn nếu không đạt tiêu chí thì không được sử dụng thuật ngữ bất động sản du lịch để “trang trí” cho những nơi đầu tư bất động sản thuần túy”, ông Bình cho biết.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ngành du lịch có quyền đưa ra yêu cầu như nêu trên nhằm đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch đối với bất động sản du lịch. Qua đó nhằm giúp cho các nhà đầu tư bất động sản giải tỏa bớt khó khăn, có thể chuyển hóa được phần nội dung đầu tư của họ sang lĩnh vực du lịch được nhiều hơn trên cơ sở phải đáp ứng tiêu chí, yêu cầu về phục vụ của ngành du lịch.
Đ.N