Các chuyên gia, văn phòng môi giới, đơn vị kinh doanh nhà đất, nhà đầu tư bất động sản tại các tỉnh, thành tham gia Diễn đàn Bất động sản Duyên hải Bắc bộ với chủ đề "Chuyển mình đón sóng đầu tư" chiều ngày 25/4, tại Vinhomes Imperia Hải Phòng đều có chung nhận định về xu hướng, thời cơ thị trường BĐS khu vực này.
Hiện nay, BĐS được chia thành các nhóm cơ bản gồm: BĐS nông nghiệp, BĐS nhà ở (bao gồm cả condotel, officetel), BĐS công nghiệp và cơ sở hạ tầng, BĐS du lịch - dịch vụ, BĐS tài chính...
Ông Phạm Hồng Điệp, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội BĐS Hải Phòng cho biết: Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, sự tăng trưởng và dịch chuyển của dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã mở ra vận hội mới cho các doanh nghiệp BĐS công nghiệp. Trong quý I/ 2022, thị trường BĐS miền Bắc có sự phục hồi tích cực. Số lượng doanh nghiệp BĐS mới thành lập tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021.
Dự đoán thị trường quý II/2022 vẫn phát triển ổn định, các gói đầu tư công vào hạ tầng cơ sở sẽ là điểm nhấn giúp bức tranh thị trường BĐS miền Bắc trở nên tươi sáng.
Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều văn phòng môi giới, nhà đầu tư... |
Các tỉnh có khu công nghiệp (KCN) quy mô trong đó có Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh... vẫn giữ sức hút trong quý II nhờ nguồn cầu BĐS vùng ven KCN. BĐS công nghiệp và BĐS nghỉ dưỡng được kỳ vọng là 2 phân khúc tăng trưởng mạnh trong năm 2022.
Riêng với Hải Phòng là địa phương thu hút FDI thuộc top đầu cả nước, chủ yếu tập trung vào các KCN, nhờ đó tạo sức bật cho thị trường BĐS KCN. Hiện, tỷ lệ lấp đầy các KCN tại Hải Phòng rất cao, đạt trên 90% với mức thuê trung bình lên tới 96 USD/m2/chu kỳ thuê, thuộc mức cao nhất thị trường phía Bắc...
Ông Phạm Trung Hiếu, Trưởng đại diện văn phòng môi giới BĐS Việt Nam tại Quảng Ninh cho hay: Mở đầu năm 2022, thị trường BĐS TP Hạ Long tiếp tục ghi nhận những kỷ lục bán hàng đến từ phân khúc BĐS gắn với du lịch nghỉ dưỡng. Từ căn hộ tới shophouse mặt biển đều nhanh chóng được đặt chỗ chỉ sau vài giờ ra mắt...
Dự án nhà ở cao tầng Hoàng Huy Commerce Hải Phòng vừa ra mắt đã thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều người (ảnh phối cảnh dự án). |
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, không chỉ có BĐS công nghiệp, nghỉ dưỡng mà các nhóm sản phẩm còn lại đều phát triển sôi động, liên tục tăng trưởng trong thời gian qua và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới, đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thị trường vẫn tồn tại không ít thách thức như: Siết chặt tín dụng BĐS có thể gây tâm lý e ngại đối với nhà đầu tư khi quyết định "xuống tiền", sự phát triển nóng và "sốt" giá tại nhiều địa phương qua các cuộc đấu giá làm thị trường BĐS gia tăng tâm lý lo lắng chu kỳ "đóng băng" BĐS xảy ra...
Để thị trường BĐS nói chung và khu vực duyên hải Bắc bộ tiếp tục phát triển đúng hướng, xứng với tiềm năng khu vực, theo PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Nhà nước cần sớm ban hành văn bản mang tính pháp lý cao về condotel - officetel; Ban hành, sửa đổi bổ sung các luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật thuế...; đồng bộ hóa các công trình hạ tầng trên cả nước và vùng duyên hải Bắc bộ; thiết lập các liên kết vùng và có các chế tài cụ thể trong quản lý việc thực hiện quy hoạch, chuyển dịch đất đai...
Các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực BĐS tham gia hội nghị. |
PGS.TS Nguyễn Kim Chung cũng nêu 5 kiến nghị cụ thể: Với các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, hoàn thiện, ban hành mới hệ thống thể chế đối với các loại sản phẩm BĐS. Đối với vùng duyên hải Bắc bộ, cần hoàn thiện hệ thống quy hoạch chung, quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng... Tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra giám sát, có chế tài để đảm bảo thị trường phát triển đúng hướng.
Đối với các nhà đầu tư phát triển: Hình thành các dự án mang tính đồng bộ, tổng thể. Vận dụng các công cụ thích đáng để thu hút các nguồn tài chính đủ lớn cho triển khai thực hiện các dự án. Liên kết một cách đồng bộ các chủ thể đầu tư để tạo lập các chuỗi sản phẩm, chuỗi liên kết.
Nhà đầu tư thứ cấp cần lựa chọn sản phẩm đầu tư phù hợp với năng lực và tiềm lực tài chính cũng như định hướng, mục tiêu. Lựa chọn nhà đầu tư, địa bàn dự án phát triển phù hợp... Còn các chủ thể sử dụng cuối cùng cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố tiềm năng, kết hợp với tính cấp bách của nhu cầu để đưa ra quyết định đúng, kịp thời.
Thanh Vân