Cụ thể, Báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu: Nhiều hồ sơ được xử lý quá lâu, qua nhiều cấp lãnh đạo địa phương ở các thời kỳ quyết định. Dù có hoặc không có vướng mắc pháp lý nhưng các cơ quan có thẩm quyền xử lý “ngại” trách nhiệm, trì hoãn, đùn đẩy lên trung ương, xin ý kiến nhiều nơi, nhiều lần dẫn đến dự án chậm hoặc dừng triển khai thực hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về bất động sản (Ảnh: Nhật Bắc) |
Điều này xảy ra là bởi những vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, Luật Đất đai chưa làm rõ trường hợp nào thuộc diện đấu giá quyền sử dụng đất nếu không đáp ứng điều kiện để đấu giá.
Luật không quy định việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất (bao gồm dự án nhà ở, khu đô thị) để phân định với các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản công trên đất.
Ngoài ra, Luật Nhà ở cũng quy định tất cả các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần diện tích đất ở thì không được chấp thuận làm nhà ở thương mại.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng có báo cáo về tình hình thị trường bất động sản để phục vụ Hội nghị, tổng hợp những khó khăn và khái quát thành 4 điểm quan trọng.
Thứ nhất, liên quan đến pháp luật về đất đai, điển hình là xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giao đất, đấu giá… đặc biệt là xác định đâu là giá đất thị trường. Thứ hai, liên quan đến đến pháp luật về quy hoạch. Thứ ba, liên quan đến pháp luật về đầu tư. Thứ tư là vướng mắc liên quan đến pháp luật về nhà ở, đô thị và xây dựng.
Từ những bất cập trên, Chính phủ đã chỉ đạo đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật đấu thầu (sửa đổi). Bộ KH&ĐT nhấn mạnh đang phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định này đảm bảo đồng bộ, tránh mâu thuẫn, chồng chéo.
Cùng với những vấn đề về pháp lý, nhiều vấn đề nóng cũng được kỳ vọng được giải quyết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” tổ chức sáng 17/2.
Hội nghị thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản: Tập đoàn Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh Land, GP.Invest, Becamex IDC Bình Dương, Sungroup, Ecopark… Các doanh nghiệp xây dựng có: Công ty Cổ phần Xây dựng Hòa Bình, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons, Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Techcombank, VP Bank…
Sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững để tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Hưng Nguyên