Theo phác thảo dự án cao tốc nối liền Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa, thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc), thị trấn Ea Kar và Ea Knốp (huyện Ea Kar), huyện M’Drắk, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa)… là các địa điểm thu hút giới đầu tư bất động sản có tham vọng “đón sóng”.
Chị Hà Thị Thu, một nhà đầu tư lâu năm ở TP. HCM, cho biết chị liên hệ trực tiếp với số điện thoại của ông Đ., một chủ đất đăng trên diễn đàn môi giới bất động sản muốn rao bán khu đất nằm ở gần mặt tiền đường qua xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.
Khu đất đăng bán có diện tích gần 2 sào, mức giá hơn 3 tỷ đồng. Nhưng khi chị Thu đi kiểm tra tình hình thực tế thì khu đất này lại nằm cách đường vài km, hiện trạng của khu đất vẫn đang trồng cây lâu năm, có lác đác một vài đoạn đường được rải đá xanh, vô cùng hoang sơ.
Các nhà đầu tư cần thận trọng khi ăn theo dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. |
Theo tìm hiểu, xã Hòa Đông là điểm cuối của đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giao với đường tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột. Vị trí đẹp cộng với tiềm năng thu hút dân cư khiến nhiều người tin tưởng sau khi cao tốc hình thành, đô thị hóa sẽ phát triển và giá đất sẽ tăng mạnh.
Anh Nam, một môi giới được mệnh danh là “thổ địa” tại khu vực Đắk Lắk, cho hay chỉ trong khoảng 3 tháng qua, giá đất nông nghiệp quanh chỉ giới đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang đã tăng cả chục lần, từ mức 100-120 triệu đồng/sào lên hơn 1 tỷ đồng/sào, nhiều nơi có vị trí đẹp giá bị thổi lên vài tỷ đồng/sào. Giá tăng phi mã nhưng có rất nhiều người đến xem đất.
Thông tin từ UBND xã Hòa Đông xác nhận, thời gian qua, có nhiều khu đất chủ nhà không bán nhưng “cò” đất vẫn giao bán, cắm biển quảng cáo, sẵn sàng nhận đặt cọc. Chính quyền đã tiến hành kiểm tra, nhổ bỏ. Đại diện UBND xã cũng cho biết: “Người mua tìm về đông, gây sốt từng thời điểm, nhưng lượng giao dịch thực tế rất ít”.
Thời gian qua, các địa phương xảy ra sốt đất liên quan tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang cũng đã có phương án tuyên truyền để người dân hợp tác với chính quyền và cơ quan chức năng, tránh tình trạng thổi giá, dẫn đến khó khăn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sau này.
Theo chuyên gia, việc sốt đất cục bộ nổi lên khi có dự án hạ tầng là điều được dự báo trước. Để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư cần phải xem xét thật kỹ yếu tố pháp lý của dự án đó và phải rà soát kiểm tra lại bản quy hoạch của địa phương.
Bởi, với những tuyến đường quy mô lớn như cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang sẽ có thêm những tuyến đường nhỏ kết nối vào đường lớn, nếu bỏ tiền đầu tư vào những dự án vướng vào vấn đề quy hoạch hay pháp lý sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117,5 km được đầu tư với quy mô 4 làn xe phân kỳ, bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng.
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có quyết định giao Ban quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Dự án được chia làm 3 dự án thành phần. Cụ thể, dán thành phần 1 (Km0+000 - Km32+000) với chiều dài khoảng 32,7 km cơ bản trên địa bàn địa phận tỉnh Khánh Hòa được giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 5.632 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5 km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng.
Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48,5 km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 6.485 tỷ đồng.
Việc đầu tư dự án nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải.
Nhật Minh