Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp tài liệu họp thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự thảo là bổ sung nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích trạm/trụ sạc xe điện.
VinFast đề xuất áp dụng giá điện cho mục đích sạc xe điện theo giá sản xuất. |
Theo đó, Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án. Phương án 1: cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất điện mà trạm/trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện.
Ở cấp điện áp từ trung áp trở lên (từ 01 kV): giờ cao điểm bằng 175% giá bán lẻ điện bình quân, bình thường 112%, thấp điểm 68%. Cấp điện áp hạ áp dưới 01 kV: cao điểm 205%, bình thường 119%, thấp điểm 70%.
Ưu điểm của phương án trên là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất điện mà trạm/trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện nên đảm bảo phân bổ chi phí tới khách hàng sử dụng điện.
Nhược điểm phải bổ sung nhóm khách hàng mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong khi nhóm khách hàng khác vẫn thực hiện theo lộ trình để giá điện phản ánh chi phí (giá cho sản xuất vẫn thấp hơn cho giá phân bổ phản ánh chi phí, giá cho kinh doanh vẫn cao hơn so với giá phân bổ phản ánh chi phí).
Phương án 2: Áp dụng giá điện cho mục đích sạc xe điện theo giá kinh doanh (theo ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Ưu điểm là không phải bổ sung đối tượng mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành. Nhược điểm có thể có tác động tới chính sách phát triển xe điện làm cho tăng chi phí sạc điện.
Phương án 3: Áp dụng giá điện cho mục đích sạc xe điện theo giá sản xuất (Theo ý kiến của Bộ GTVT và Công ty VinFast).
Ưu điểm là không phải bổ sung đối tượng mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành. Có thể có tác động tới chính sách phát triển xe điện do làm giảm chi phí sạc điện.
Nhược điểm: tác động tới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do việc áp dụng giá bán lẻ điện cho sản xuất đối với mục đích sạc xe điện thấp hơn sẽ dẫn tới việc tăng giá điện cho nhóm khách hàng để cân đối lại doanh thu. Điều này có nghĩa là thực hiện bù chéo từ các nhóm khách hàng khác cho nhóm khách hàng sạc xe điện.
Tuy nhiên, sau khi phân tích 3 phương án, Bộ Công Thương cho biết phương án 2 và 3 sẽ phát sinh bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện. Khi triển khai áp dụng có thể sẽ không phù hợp với chủ trương được quy định tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó không thực hiện bù chéo giữa các nhóm khách hàng.
Trong khi đó, phương án 1 được xây dựng trên cơ sở giá bán điện phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh điện cho hoạt động sạc xe điện nên Bộ Công Thương kiến nghị xem xét lựa chọn áp dụng theo phương án này.
“Trên cơ sở nguyên tắc giá cho trạm/trụ sạc điện được xây dựng phản ánh chi phí của ngành điện và kinh nghiệm áp dụng tại một số nước trong khu vực (Thái Lan, Hàn Quốc quy định biểu giá điện riêng cho mục đích trạm/trục sạc xe điện), Bộ Công Thương đã xây dựng và bổ sung cơ cấu biểu giá điện riêng cho mục đích trạm/trụ sạc xe điện" - cơ quan này lý giải.
Tuy vậy, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với nội dung này, do còn nhiều ý kiến khác nhau.
Bộ Công Thương thông tin thêm, giá bán lẻ điện cho trạm/trụ sạc được Bộ Công Thương nghiên cứu, tính toán, đề xuất trên cơ sở phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất, kinh doanh của ngành điện và đặc điểm phụ tải của đối tượng trạm/trụ sạc xe điện. Hiện nay, Việt Nam chưa có dữ liệu về phụ tải này nên Bộ đã tham khảo dữ liệu quốc tế để nghiên cứu, tính toán.
Thy Lê