Theo ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Hapro, để kinh doanh vải thiều, DN đã xây dựng kế hoạch cụ thể từ khâu thu mua trực tiếp sản phẩm, in ấn bao bì, vận chuyển, bảo quản và phân phối… Mục tiêu là nhằm tạo ra kênh vải thiều đến tay người tiêu dùng có giá hợp lý, song tạo sự khác biệt về thương hiệu và chất lượng trên thị trường. Đặc biệt, sản phẩm được dán tem xác thực điện tử V-True, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn và quy định về chất lượng sản phẩm.
![]() |
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương tiếp thị vải thiều tại hệ thống Hapro
Theo đó, sẽ có khoảng 1000 tấn vải thiều được tiêu thụ trong hệ thống Hapro với 100 điểm bán buôn, bán lẻ. Tại các điểm bán, vải thiều Thanh Hà sẽ được trưng bày tại các vị trí bắt mắt, tiện lợi cho việc mua sắm của khách hàng. Bên cạnh đó, Hapro sẽ triển khai thêm một số hình thức và kênh phân phối khác như: tiêu thụ hàng hoá qua các mối quan hệ đối ngoại và chính cán bộ công nhân viên của công ty, giao lực lượng đoàn thanh niên và công đoàn cùng tham gia công tác tiêu thụ hàng hoá, bán hàng trực tuyến, tiêu thụ hàng hoá qua hệ thống cửa hàng, nhà hàng, đại lý, khách sạn tập trung tại Hà Nội.
Được biết, hoạt động kết nối thương mại thúc đẩy tiêu thụ vải thiều nằm trong chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Hải Dương, huyện Thanh Hà và Tổng công ty Thương mại Hà Nội, nhằm quảng bá, phân phối, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước.
Cẩm An