Về cung ứng hàng hóa khi giãn cách xã hội, đại diện Saigon Co.op cho biết, siêu thị đang tổ chức phân luồng, để khách xếp hàng bên ngoài siêu thị, thực hiện các thủ tục khai báo y tế, kiểm tra nhiệt độ, khử khuẩn và sau đó vào từng nhóm để đảm bảo an toàn hơn.
Sở Công Thương TP.HCM khuyến cáo và thông tin đến người dân là hệ thống phân phối hàng hóa vẫn hoạt động liên tục để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. |
Đặc biệt, Saigon Co.op thông tin, hàng hoá đang tăng cường về thêm từ các nguồn cung và trung tâm phân phối: "Siêu thị sẽ tăng thêm giờ phục vụ khách hàng, nên bà con đừng tụ tập đông quá cùng một lúc. Các siêu thị sẽ tiếp tục đầy hàng hóa trong đêm và sáng mai. Hàng hóa thiết yếu và hàng hóa chống dịch được lưu trữ và có chương trình lâu dài nên không sợ thiếu hàng hóa trong thời gian giãn cách".
Trong khi đó, ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart miền Nam chia sẻ, tại thời điểm vừa có thông tin giãn cách (chiều 30/5) xuất hiện cục bộ tại một số siêu thị VinMart tình trạng người dân đổ xô đi mua sắm thực phẩm, hàng hoá, dẫn đến hàng hoá, đặc biệt là các thực phẩm thiết yếu bị trống kệ trong chốc lát. "Chúng tôi ghi nhận tình hình và nhanh chóng tăng cường đẩy hàng hoá lên quầy kệ liên tục. Cũng như tăng cường số lượng nhân viên hỗ trợ lên gấp đôi đảm bảo hàng hoá luôn đầy ắp, giúp khách hàng mua sắm đầy đủ nhu cầu", ông Trinh nói.
Theo đó, đại diện VinMart miền Nam cho biết, hệ thống siêu thị có những kịch bản kinh doanh để ứng phó với mọi tình huống phức tạp của dịch bệnh. "Về hàng hoá, ngay sau làn sóng dịch đầu tiên năm 2020, chúng tôi chủ động làm việc, tăng cường kết nối với nhiều nhà cung cấp để đảm bảo hàng hoá cung ứng liên tục, đồng thời sản lượng dự phóng trong lúc dịch bệnh bùng phát luôn đủ cho 3 - 6 tháng", ông Trinh thông tin.
Theo thông báo của Sở Công Thương TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 8.000 tấn rau củ quả được nhập và tiêu thụ tại 3 chợ đầu mối, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân TP. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp phân phối lớn đảm nhiệm 30% còn lại.
Các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi... vẫn mở cửa hoạt động bình thường trong thời gian TP giãn cách và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch với nguồn hàng dồi dào, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho hay, các hệ thống bán lẻ, đơn vị tham gia chương trình bình ổn hàng hóa được yêu cầu chủ động dự trữ hàng. Trung bình mỗi đêm có khoảng 700 tấn thịt heo, 250.000 con gia cầm, cùng nhiều mặt hàng thiết yếu khác về TP.
"Chương trình kết nối cung cầu giữa TP.HCM với 22 tỉnh, thành trong cả nước đảm bảo nguồn hàng về TP không bị gián đoạn, thậm chí giá cả có xu hướng giảm nhẹ", ông Vũ khuyến cáo người dân mua sắm cân đối với nhu cầu, tránh lãng phí vì nhiều mặt hàng không bảo quản được lâu.
Sở Công Thương TP.HCM cũng khuyến cáo và thông tin đến người dân: hệ thống phân phối hàng hóa vẫn hoạt động liên tục để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các hàng hóa thiết yếu, người dân không nên mua hàng tích trữ, tập trung đông người gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Về phía Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước cho biết, vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương TP.HCM để bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa kịp thời nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Thy Lê