Các siêu thị cam kết giữ giá cả bình ổn, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa dẫn tới tăng giá bán. |
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật. Nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất trên địa bàn như vật tư y tế phòng dịch, các sản phẩm nông nghiệp tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Về vấn đề nguồn cung hàng hóa, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Vincommerce đã chia sẻ các phương án của Công ty với việc tiêu thụ nông sản trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.
Theo đó, với 2.500 siêu thị trên toàn quốc và 300 lượt triệu khách hàng mỗi năm, VinCommerce hoàn toàn có thể hỗ trợ cho các hộ nông dân và hợp tác xã nông nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, tại từng địa phương, cán bộ của VinCommerce trực tiếp tiếp cận với nguồn hàng của nông dân, đánh giá và lựa chọn sản phẩm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Công ty. Từ đó, giảm được thời gian di chuyển, giá thành được tối ưu.
Về vụ vải thiều sắp tới, dựa trên kinh nghiệm của VinCommerce, từ 2 tháng trước các cán bộ của công ty đã về làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang và dự kiến tuần tới sẽ là Hải Dương để kết nối, tiêu thụ sản phẩm này.
Về mặt hàng cung ứng trong thời gian dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, đại diện Vincommerce khẳng định, chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ luôn đảm bảo cung ứng khối lượng hàng hóa đầy đủ cho mọi ngành hàng. Đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu luôn đạt 100% dung lượng trên quầy kệ và kho lưu trữ.
Đồng thời cam kết giữ giá cả bình ổn, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa dẫn tới tăng giá bán. Thậm chí, tiếp tục tổ chức các chương trình khuyến mãi, ưu đãi ở nhiều mặt hàng thiết yếu để tạo điều kiện mua sắm cho khách hàng trong thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung.
Không chỉ hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ cam kết đầy đủ nguồn hàng cung ứng ra thị trường, hầu hết các siêu thị và cửa hàng trên địa bàn Hà Nội cũng đang sẵn sàng nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân.
Theo đại diện Tập đoàn Central Retail - chủ quản lý chuỗi các siêu thị như Big C, GO! và Tops Market, trước diễn biến dịch Covid-19, đơn vị đã tăng gấp đôi lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường. Đối với khẩu trang, lượng hàng hóa đơn đơn vị tích trữ đủ trong 4 tháng tiêu thụ.
Liên quan đến công tác chuẩn bị hàng hóa trước bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho hay, hiện nay, toàn bộ kho hàng của hệ thống siêu thị Hapro, Fuji Mart… đã được chuẩn bị đầy đủ hàng hóa cả hàng tươi và hàng đông lạnh. Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng quan tâm nhiều trong các đợt Covid-19 trước đây như gạo, dầu ăn, nước mắm, mì gói, nước rửa tay, khẩu trang… luôn luôn có đầy đủ hàng hóa, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông nói rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để đảm bảo nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân, hệ thống siêu thị Co.opmart đã dự trữ 12.000 tấn nông thủy sản, 5 triệu khẩu trang và một lượng lớn nước rửa tay khử khuẩn.
Theo ghi nhận của VnBusiness, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam không còn cảnh người dân đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm thiết yếu tích trữ như trước đó.
Đáng chú ý, tại các siêu thị, công tác phòng chống dịch được thực hiện nghiêm túc nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm. Tại tất cả siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều bố trí nhân viên kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khách hàng sử dụng khẩu trang và sát khuẩn tay khi vào siêu thị mua sắm.
“VinCommerce sẽ chủ động tạm đóng cửa các siêu thị/cửa hàng nằm trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe của khách hàng và nhân viên của VinCommerce hoặc khu vực mà cơ quan chức năng khoanh vùng để hoàn tất việc tiêu độc, khử trùng và chỉ mở cửa trở lại khi đảm bảo không gian mua sắm tuyệt đối an toàn”, bà Phương cho hay.
Hoàng Hà