Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 1520/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Theo đó, Chiến lược đặt ra yêu cầu phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn; tăng cường nghiên cứu khoa học, thích nghi và ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, chú trọng ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao sức cạnh tranh ngành chăn nuôi.
Thịt lợn vẫn chiếm khoảng 63 - 65% trong cơ cấu sản lượng thịt xẻ vào năm 2025 và 59 - 61% vào năm 2030 (Ảnh: Int) |
Chiến lược xác định nhiều mục tiêu cụ thể cho ngành chăn nuôi giai đoạn 10 năm tới: tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 4 - 5%/năm; giai đoạn 2026-2030 trung bình từ 3 - 4%/năm.
Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 5,0 - 5,5 triệu tấn, trong đó thịt lợn từ 63 - 65%, thịt gia cầm từ 26 - 28%, thịt gia súc ăn cỏ từ 8 - 10%. Đến năm 2030 đạt từ 6 - 6,5 triệu tấn, trong đó thịt lợn từ 59 - 61%, thịt gia cầm từ 29 - 31%, thịt gia súc ăn cỏ từ 10 - 11%, xuất khẩu từ 15 - 20% sản lượng thịt lợn, từ 20 - 25% thịt và trứng gia cầm.
Sản lượng trứng, sữa đến năm 2025 đạt từ 18 - 19 tỷ quả trứng và từ 1,7 - 1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 23 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa.
Bình quân sản phẩm chăn nuôi/người/năm, đến năm 2025 đạt từ 50 - 55 kg thịt xẻ các loại, từ 180 - 190 quả trứng, từ 16 - 18kg sữa tươi và đến năm 2030 đạt từ 58 - 62kg thịt xẻ các loại, từ 220 - 225 quả trứng và từ 24 - 26kg sữa tươi.
Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030.
Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25 - 30% vào năm 2025, từ 40 - 50% vào năm 2030; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh: đến năm 2025 xây dựng được ít nhất 10 vùng cấp huyện, đến năm 2030 ít nhất 20 vùng cấp huyện.
Hầu hết sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường; 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó có khoảng 30% được chế biến sâu.
Đ.N