Cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, Liên nhóm hữu cơ Tân Lạc (Hòa Bình) và Thanh Xuân (Sóc Sơn) (thuộc hệ thống PGS Việt Nam) đã tổ chức họp giao ban đánh giá hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của toàn bộ các nhóm.
Đại diện Liên nhóm hữu cơ Tân Lạc cho biết, trong tháng 8/2014, các sản phẩm gà thịt, trứng ở Tân Lạc đang được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng. So với tháng 7, lượng trứng gà bán ra tăng gấp 2 lần. Bên cạnh đó, một số nhóm chăn nuôi đang tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng Hà Nội để cân nhắc nuôi thêm lợn lai cùng với lợn bản địa để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Báo cáo của Liên nhóm Thanh Xuân cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2014, đã cung cấp cho thị trường Hà Nội hơn 100 tấn rau hữu cơ các loại. Nguồn cung thực phẩm hữu cơ ngày càng tăng do nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng tăng cao.
Đắt không phải là rào cản...
Thực tế, những nghi ngại về thực phẩm bẩn trên thị trường luôn khiến người tiêu dùng băn khoăn khi đi chợ. Tuy nhiên, tỷ lệ bà nội chợ phải móc hầu bao để mua những sản phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc, cũng như không có ai chịu trách nhiệm về độ an toàn của những thực phẩm đó hàng ngày vẫn chiếm đa số. Để giải quyết nhu cầu thực phẩm sạch, một bộ phận có điều kiện kinh tế hơn thì tìm đến với những cửa hàng rau an toàn, đặc biệt là rau hữu cơ.
Trên địa bàn Hà Nội, nhiều cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ được hình thành như: Rau hữu cơ Thanh Xuân, Bác Tôm, Tràng An, Tâm Đạt, Green Life… Sản xuất nông nghiệp hữu cơ được làm theo truyền thống thời xa xưa, cây trồng vật nuôi được phát triển tự nhiên không có tác động của hóa chất cùng với sự hỗ trợ của các tiến bộ kĩ thuật.
Thông thường giá bán một sản phẩm hữu cơ thường cao hơn 3-5 lần so với sản phẩm thông thường. Chẳng hạn 1 mớ rau muống trên thị trường có giá từ 4.000-5.000 đồng thì rau hữu cơ được rao bán 19.000- 20.000 đồng/mớ. Dưa chuột, cà tím, cà chua khoảng 15.000- 20.000 đồng/kg thì sản phẩm hữu cơ cùng loại có giá khoảng 38.000-40.000 đồng/kg.
![]() |
Sản phẩm hữu cơ bao giờ cũng thơm ngon, đậm chất tự nhiên hơn sản phẩm cùng loại nuôi trồng theo phương thức sản xuất dùng phân bón, hóa chất, chất kích thích. Những người đã và đang dùng thực phẩm hữu cơ không ai phàn nàn về chất lượng lẫn giá cả. Như vậy, giá bán của sản phẩm không phải là yếu tố kìm hãm người tiêu dùng chọn lựa thực phẩm này.
Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra hiện tượng, một nhóm người vì lợi ích kinh tế, lợi dùng niềm tin của người tiêu dùng đã trà trộn sản phẩm thông thường để lấy mác sản phẩm hữu cơ bán với giá cao. Không ít vụ việc kinh doanh bẩn của các cửa hàng treo biển sạch bị phát giác khiến niềm tin của người tiêu dùng lung lay.
Quan sát thị trường thực phẩm hữu cơ cho thấy, nguồn khách đến giao dịch trực tiếp tại các cửa hàng còn hạn chế. Kênh phân phối của những cơ sở sản xuất sạch vẫn chủ yếu đi theo hợp đồng ký kết có lộ trình với trường học, cơ quan, đơn vị… Nguồn khách hàng mua lẻ chưa được như kỳ vọng.
Niềm tin của người tiêu dùng
Đại diện một cửa hàng rau hữu cơ tại Hà Nội thuộc Công ty CP Hà Nội Organic Roots cho biết, bình quân mỗi ngày cửa hàng cung cấp ra thị trường 50 kg rau hữu cơ, chủ yếu là trường học, nhà hàng, một số bếp ăn tập thể cao cấp. Khách hàng đến với cửa hàng vẫn là khách quen, từng sử dụng và tin tưởng chất lượng. Kinh nghiệm của các nhà cung ứng cho thấy, muốn bán được sản phẩm thường cơ sở nào có điều kiện phải tổ chức hội thảo, thuê xe để khách hàng đi thực nghiệm nhìn tận mắt, sờ tận tay mới mong bán hàng được trôi chảy. Nói cách khác, phải xây dựng được niềm tin của người tiêu dùng thì mối quan hệ bán mua mới bền chặt.
Cái khó hiện nay, chưa có một tổ chức, cơ quan chức năng nào có thẩm quyền thuộc hệ thống quản lý nhà nước đứng ra chứng nhận sản phẩm hữu cơ đạt chất lượng. Chưa có quy trình, quy định và giấy chứng nhận kiểm tra chính thức về rau hữu cơ nên tạo ra một số khó khăn với người sản xuất khi giao dịch với nhà hàng, siêu thị, cửa hàng.
Kiểm soát chất lượng sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam được thực hiện thông qua Hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS (thuộc Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam). Theo Gs.Ts. Phạm Thị Thùy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, mục tiêu của hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS là hướng đến phát triển một nền hữu cơ toàn diện và thật sự, đáp ứng được yêu cầu của Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế IFOAM.
Mỗi cây trồng, mỗi vùng miền lại có những đòi hỏi riêng, những điểm nhấn riêng trong sản xuất, nhưng ở bất cứ đâu, tính trung thực trong hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS vẫn luôn được coi trọng hàng đầu để tạo ra các sản phẩm hữu cơ thật sự. Việc tạm đình chỉ tư cách thành viên với hệ thống kinh doanh thực phẩm Mr Sạch (một thành viên của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam) do bê bối về việc trà trộn rau thường lấy nhãn hữu cơ để bán kiếm lời cho thấy sự quyết tâm thanh lọc những đơn vị làm ăn gian dối của Hiệp hội này. Tuy nhiên, điều này cũng khiến dư luận đặt dấu hỏi về tính trung thực của các cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ còn lại.
Thu Hường