Để hiểu rõ về thị trường trái cây nhập khẩu, không nơi nào nắm rõ hơn Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bởi đây là đơn vị chịu trách nhiệm kiểm dịch thực vật cho tất cả các lô trái cây trước khi vào Việt Nam.
Hàng nhập chỉ chiếm 10%
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Cục Bảo vệ thực vật, trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập khẩu trên 88.000 tấn táo quả, hơn 27.000 tấn nho, 741 tấn kiwi, trên 35.000 tấn lê và gần 52 tấn cherry.
Cụ thể, nhập khẩu từ Mỹ trên 15.000 tấn táo, gần 7.000 tấn nho và xấp xỉ 60 tấn lê; từ Úc năm 2013 hơn 94 tấn táo (năm 2014 chưa nhập khẩu lô nào) gần 3.000 tấn nho, 34 tấn kiwi, 180 tấn lê và 40 tấn cherry; từ New Zealand trên 2.500 tấn táo (năm 2014 chưa nhập khẩu lô nào), 62 tấn kiwi và 11 tấn cherry. Đặc biệt, nhập từ Trung Quốc xấp xỉ 69.000 tấn táo, 16.000 tấn nho và 35.000 tấn lê…
Qua số liệu nhập khẩu trái cây của Việt Nam trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014 cho thấy, sản phẩm trái cây của Trung Quốc chiếm trên 60%. Một số thị trường như Úc, New Zealand từ đầu năm đến nay chưa nhập khẩu lô hàng mới, nên có thể khẳng định các loại trái cây như táo, nho đang bày bán tại các siêu thị hiện nay nếu đúng là tại các quốc gia đó là trái cây cũ nhập khẩu từ năm 2013.
Từ tháng 2/2014 trở về nước, táo Mỹ chiếm thị phần lớn trên thị trường; táo Úc và New Zealand cũng có nhưng số lượng không nhiều, giá bán từ 120.000 - 240.000 đồng/kg tùy loại.
Từ tháng 3, tại rất nhiều siêu thị ở Hà Nội, táo và nho của Úc và New Zealand bày tràn trên các kệ hàng, giá bán ngày càng rẻ, từ 120.000 đồng/kg giảm dần xuống 90.000 đồng/kg, 70.000 đồng/kg, cá biệt có siêu thị chỉ bán 59.000 đồng/kg, rẻ hơn cả táo Trung Quốc.
![]() |
Mỗi quả táo, túi nho được bán đều được dán nhãn nhỏ thể hiện chủng loại táo (táo Gala, Ambrosia New, Queen hay Fuji...) và xuất xứ (Mỹ, Úc hay New Zealand). Từ cuối tháng 4, các mặt hàng này được đổ bán nhiều ở các chợ dân sinh. Đối chiếu với số liệu do Cục Bảo vệ thực vật cung cấp thì số táo Úc và New Zealand hiện đang bán tràn lan với số lượng lớn trên thị trường hẳn là đều được nhập từ năm 2013.
Điều này khiến người tiêu dùng đặt ra hàng loạt câu hỏi: công nghệ bảo quản nào có thể giúp táo trong vòng gần 8 tháng, đến tay người tiêu dùng mà vẫn tươi vỏ, núm không héo; liệu tình trạng nhập nhèm nguồn gốc có đang diễn ra khi táo Trung Quốc được gắn mác hàng cao cấp để qua mặt người tiêu dùng...
Theo đại diện của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT 7 tháng đầu năm, táo nhập vào Việt Nam là 38.600 tấn, trong đó Úc là 2.000 tấn và New Zealand là 3.500 tấn. Với mức nhập khẩu khiêm tốn 5.500 tấn, chỉ bằng 14% tổng khối lượng, đây cũng là lo ngại đối với người tiêu dùng bởi hiện hàng táo có mác táo Úc, New Zealand ở cửa hàng và vỉa hè được bán giá khá rẻ, chỉ tương đương với táo Trung Quốc.
Những nghi vấn...
Những nghi vấn này càng có cơ sở khi mà từ đầu năm đến nay, táo, nho, lê Trung Quốc vẫn vào thị trường Việt Nam với thị phần lên đến 60%. Số hàng này đang được tiêu thụ ở đâu khi hầu hết các siêu thị, cửa hàng bán trái cây đều không thừa nhận bán hoa quả Trung Quốc.
Câu hỏi này không dễ trả lời. Ngay cả Cục bảo vệ thực vật cũng thừa nhận rất khó phân biệt được đâu là trái cây Trung Quốc, đâu là của Mỹ, Úc, New Zealand vì bằng cảm quan, những loại quả trên đều giống nhau như "anh em sinh đôi".
Cách phân biệt nếu có ở đây là dựa vào việc bảo quản. Khác với táo Trung Quốc, táo nhập khẩu từ Mỹ, Úc, New Zealand bắt buộc phải bảo quản lạnh. Vì vậy, có thể khẳng định ngay là những loại táo, lê, nho bày bán tại chợ, các quầy hàng không có tủ lạnh bảo quản đều là hàng có nguồn gốc Trung Quốc. Còn hàng bán tại các siêu thị thì các cơ quan chức năng cũng đành... bó tay.
Trong khi chờ đợi cơ quan quản lý thị trường làm rõ sự việc thì lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo: Nếu có bất kỳ dấu hiệu hư hỏng trên vỏ quả, hạt mốc hay mọc rêu thì không nên sử dụng; riêng với táo, loại bở và nhạt là táo Trung Quốc.
Trao đổi về thực trạng nhập nhèm giữa trái cây Trung Quốc và trái cây tại các nước Mỹ, Úc, New Zealand, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản & Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, 100% mặt hàng táo, lê, nho bày bán tại chợ, sạp ven đường không có tủ lạnh bảo quản đều là hàng có nguồn gốc Trung Quốc. Riêng mặt hàng trái cây bán tại các siêu thị thì ông Thừa cũng đành bó tay.
Theo ông Nguyễn Trọng Thừa, có rất nhiều nguyên nhân để các mặt hàng trái cây cao cấp có giá mềm như hiện nay, trong đó việc giao thương thuận lợi là một trong các nhân tố quyết định. "Tại các quốc gia như Mỹ, Úc, New Zealand, họ phân chia trái cây thành rất nhiều loại khác nhau, từ thấp đến cao nên rất có thể các mặt hàng xuất khẩu sang Việt Nam có giá bán thấp, thuộc hàng phẩm cấp thấp hoặc sắp hết hạn sử dụng.
"Tôi từng ăn táo loại 1 bên Mỹ, Úc có giá 8 - 10 USD/kg thấy giòn, thơm, ngon khác hẳn chất lượng táo nhập khẩu tại Việt Nam. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, nếu táo ăn bở, nhạt, bổ ra thấy hạt mọc mốc rêu nếu không phải táo Trung Quốc thì cũng là hàng sắp hết hạn sử dụng", ông Thừa chia sẻ.
Hồng Uyên