Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,21% so với tháng 2, sau khi tăng tới 0,8% trong tháng 2.
Bình quân 3 tháng đầu năm, CPI tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018, thấp hơn so với mức tăng 2,82% của năm trước.
Cần tính tới tác động tổng hợp của tăng xăng dầu trong các kịch bản điều hành chung (Ảnh: Internet) |
Các nhân tố khiến CPI quý I tăng chậm gồm: giảm chỉ số giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm do nhu cầu yếu đi sau Tết và tác động của dịch tả lợn châu Phi; cách thức kiềm chế giá cả (giá điện, giá xăng dầu) trong giai đoạn trước Tết còn mang nặng tính “hành chính”; việc điều chỉnh tăng giá điện từ cuối tháng 3/2019 chưa được phản ánh vào CPI tháng 3.
Trong quý I, CPI chịu tác động khác nhau từ thị trường thế giới. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 0,27% so với quý IV/2018 và tăng 1,06% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, chỉ số giá xuất khẩu tăng tới 3,63% so với quý IV/2018 và 2,88% so với cùng kỳ năm 2018. Dù vậy, áp lực từ giá xuất khẩu lên CPI dường như còn chưa lớn, chủ yếu do hàng hóa xuất khẩu và hàng tiêu dùng trong nước có sự khác biệt về phân khúc (chất lượng).
Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm tăng 1,83% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Như vậy, điều hành chính sách tiền tệ vẫn ổn định và không gây áp lực lên mặt bằng giá.
Tuy nhiên, lạm phát cơ bản quý I đã vượt mục tiêu cả năm 2019 (1,6-1,8%). Điều này đòi hỏi phải tiếp tục theo dõi để có các biện pháp phù hợp hơn nhằm ổn định lãi suất và tỷ giá trong các tháng cuối năm.
Theo ông Dương, Chính phủ đã rút đề xuất tăng khung trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 8.000 đồng/lít. Tuy vậy, diễn biến giá xăng dầu còn bị bóp méo bởi tác động của những yếu tố như: khả năng đảm bảo nguồn cung của một số loại mặt hàng xăng tại một số thời điểm; ý chí phổ biến sử dụng xăng sinh học trong khi mặt hàng này chưa thể hiện ưu điểm vượt trội so với xăng truyền thống; và tính minh bạch trong việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá chưa cao.
Trong thời gian tới, CPI có thể chịu áp lực tăng từ các yếu tố như điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá (điện, dịch vụ y tế), tăng lương tối thiểu vùng, bất định về giá xăng dầu thế giới và một số diễn biến bất lợi trong nước (dịch tả lợn châu Phi). Giá điện sẽ được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3/2019, có thể tác động lên mặt bằng giá chung.
Mặc dù vậy, tính toán của Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê cho thấy tác động của tăng giá điện lên mặt bằng giá không quá lớn. Các giải pháp kích thích tăng trưởng – trong khung chính sách vĩ mô hiện hành – khó gây áp lực đáng kể đối với lạm phát. Trong chừng mực đó, thực hiện mục tiêu lạm phát CPI năm 2019 vẫn được bảo đảm. Tuy nhiên, cần tính tới tác động tổng hợp của tăng giá các mặt hàng cơ bản của sản xuất và tiêu dùng (điện, xăng dầu...) trong các kịch bản điều hành chung.
Thy Lê