Đây là câu hỏi được đặt ra cho Tổng cục Thống kê tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV và năm 2018 diễn ra chiều 27/12.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho biết năm 2019 có các nhóm tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Giá điện tăng sẽ tác động nhiều
Về điều hành Chính phủ, từ 1/1/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng kịch khung lên 4.000 đồng, tăng 1.000 đồng/lít so với hiện nay; dầu hỏa sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng/lít, tăng 700 đồng so với hiện nay.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, thuế môi trường với xăng dầu tăng sẽ làm tăng CPI 0,27 – 0,29%, tuy nhiên đó là khi không có điều hành. Hiện có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là công cụ hữu ích để điều hành.
Cùng với đó, từ ngày 15/1/2019, nhiều dịch vụ y tế sẽ tăng giá. Tiền khám bệnh tại các tuyến dao động 26.000 – 37.000 đồng/ lượt, tăng khoảng 10% so với hiện hành. Đồng thời, giá dịch vụ giáo dục sẽ điều chỉnh vào tháng 9 hàng năm…
Bên cạnh đó, giá lương thực thực phẩm sẽ tăng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới; bất lợi thời tiết, ảnh hưởng bão lũ; căng thẳng thương mại thế giới ảnh hưởng tới giá các mặt hàng nhập khẩu… đều tác động tới CPI.
Vì vậy, hàng năm, Tổng cục Thống kê đều xây dựng kịch bản lạm phát để điều hành, sau mỗi tháng rà soát, dự báo tiếp tháng sau. Các kịch bản này đảm bảo xây dựng chi tiết từng tháng.
"Với sự chỉ đạo trong điều hành và quyết tâm của Chính phủ, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% là hoàn toàn khả thi trong năm 2019", bà Ngọc khẳng định.
Về giá điện nếu tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới CPI, ảnh hưởng tới giá sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khi nào có kịch bản cụ thể về tăng giá điện, Tổng cục Thống kê sẽ tính toán, từ đó có khuyến nghị nên điều hành theo phương án nào.
Giá điện và xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh tới lạm phát |
Năng suất lao động tăng 346 USD
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cũng cho biết năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/ lao động (tương đương 4.512 USD/lao động, tăng 346 USD so với năm 2017), năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017, cao hơn nhiều mức tăng 5,29% của năm 2016 và xấp xỉ mức tăng 6,02% của năm 2017 do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2018 tăng cao.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2018 là 55,4 triệu người, tăng 566,2 nghìn người so với năm 2017 (quý IV là 55,7 triệu người, tăng 530,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước); lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 48,7 triệu người, tăng 549,8 nghìn người.
Tỷ lệ thất nghiệp chung năm 2018 ước tính là 2,0%, trong đó khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn là 1,55%.
Trong năm 2018, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 1,46%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,69%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 1,85%
Đặc biệt, đời sống dân cư năm nay nhìn chung được cải thiện. Thu nhập bình quân một người một tháng năm 2018 ước tính đạt 3,76 triệu đồng (tăng 660.000 đồng so với năm 2016), bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 10,2%/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều năm 2018 ước tính 6,8%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2017.
Thiếu đói trong nông dân giảm mạnh so với năm 2017. Năm 2018, cả nước có 105 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 42,1% tương ứng với 420 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 43,7%.
Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong năm 2018 là 4.977 tỷ đồng, bao gồm 2.792 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1.487 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 698 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác.
Bên cạnh đó, đã có gần 23,6 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.
Thy Lê