Bão Yagi đổ bộ các tỉnh, thành miền Bắc, gây thiệt hại nặng nề cả về con người lẫn tài sản. Nhiều địa điểm lũ lụt ngập úng khiến lúa, hoa màu hư hại, các khu nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi.
Vận chuyển khó khăn, nguồn cung hàng hóa ngay tại khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề. Người dân đang có tâm lý đổ xô đi mua thực phẩm để dự trữ vì lo cháy hàng. Những thực phẩm đắt hàng chủ yếu là rau xanh, thịt, bánh mì, một số loại đồ khô... Trước tình hình này, nhiều đơn vị lớn trên thị trường khẳng định sẽ tăng cung từ miền Nam và Đà Lạt, kèm theo bình ổn giá.
Ghi nhận của Vnbusiness lúc 15h ngày 11/9, tại siêu thị Vinmart (Nam Từ Liêm, Hà Nội), lượng người mua hàng, thực phẩm tại đây không quá đông. Quầy rau xanh đầy đủ các mặt hàng từ mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, cải chíp, bầu bí, mướp đắng… đến các loại củ quả như cà rốt, bí xanh, bí đỏ…
Siêu thị tăng cường gấp đôi hàng hóa, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không cần tích trữ nhiều thực phẩm. |
Bên cạnh đó, mặt hàng được mọi người quan tâm và mua nhiều hơn hẳn là đồ khô như bánh mì cũng được bày đầy trên kệ. Cùng với đó, mặt hàng thực phẩm tươi sống khác như thịt bò, lợn, gà... được siêu thị liên tục bổ sung.
Đáng chú ý, nhiều đơn vị cung ứng hàng hóa lớn ở miền Bắc như BRGMart, Aeon, Central Retail, Dabaco… đều cho biết đã tăng nguồn cung hàng hóa gấp nhiều lần và cam kết không tăng giá bán.
Thậm chí, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco, cho biết đơn vị đang cố gắng cung ứng ra thị trường thực phẩm thiết yếu một cách nhanh nhất để chung tay chống lũ cùng đồng bào phía Bắc, dù vận chuyển rất khó khăn.
"Nhiều nơi ngập úng nước, các hộ nông dân, hộ nuôi trồng phải bán chạy lũ vật nuôi, cây trồng để giảm thiệt hại. Do vậy, nhiều nơi giá còn giảm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chia sẻ với bà con nên quyết không tăng giá, thậm chí giảm giá bán để hỗ trợ…", ông So nói.
Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Chuỗi WinMart, cho biết, bốn nông trại WinEco - nơi cung cấp 80% sản lượng rau, củ cho Winmart, cũng bị thiệt hại sau bão. Chưa kể, nhiều địa phương ngập sâu và sạt lở do hoàn lưu bão Yagi cũng khiến vận chuyển hàng từ kho đến các siêu thị, cửa hàng gặp trở ngại.
Theo MM Mega Market, họ gặp khó khi chuyển hàng hóa tới người tiêu dùng cuối, do phải sử dụng ôtô tải thay vì xe máy. Thời gian giao hàng vì thế kéo dài hơn trước.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân mỗi ngày WinMart nhập gần 100 tấn rau củ thiết yếu đã được vận chuyển từ miền Nam và Lâm Đồng ra miền Bắc. Còn tại Central Retail Việt Nam, sản lượng hàng giao cho các siêu thị của chuỗi này tại miền Bắc và Trung tăng gấp đôi, trung bình 75-80 tấn mỗi chuyến. Hai ngày qua có 4 chuyến hàng, khoảng 150 tấn rau củ quả được chuyển từ miền Nam tới các siêu thị phía Bắc.
Bốn ngày qua, trung tâm phân phối của Saigon Co.op cũng hoạt động hết công suất, tăng gấp 3 chuyến xe so với ngày thường. Họ tăng mua các mặt hàng rau xanh (rau muống, cải ngọt, bí đao, cải thảo, dưa leo, cà chua ...) từ Đồng Nai, Lâm Đồng và một số tỉnh Tây Nam Bộ.
Ngành Công thương cũng khẳng định đến ngày 11/9 nguồn cung và giá cả hàng hóa thiết yếu cơ bản ổn định. Tại các tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão số 3 và lũ lụt như Thái Nguyên, Lào Cai… lương thực, thực phẩm vẫn đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống, nước sạch…để cung cấp cho người dân trong vùng bị cô lập trong thời gian nhanh nhất có thể.
Thanh Hoa