Theo ghi nhận của VnBusiness tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), giá của nhiều loại rau xanh như rau muống, rau cải, và mồng tơi đã tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm trước bão. Cụ thể, rau muống hiện đang được bán với giá từ 20.000-25.000 đồng một bó, trong khi trước đó chỉ khoảng 7.000-10.000 đồng. Cà chua cũng tăng mạnh từ 15.000 đồng lên 40.000 đồng mỗi kg,... Nhiều loại rau như xà lách, rau diếp cá, cải thảo cũng tăng giá mạnh, do nguồn cung từ các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại nặng nề.
Nhiều loại rau xanh tăng giá 2-3 lần so với ngày thường. |
Chị Nguyễn Thị Mai, một tiểu thương tại chợ Gia Lâm (Hà Nội), chia sẻ: “Nguồn rau từ các nhà vườn Đà Lạt, Sơn La về rất ít, mà giá nhập vào đã cao hơn bình thường. Tôi phải bán giá cao hơn, vì lượng rau từ các vùng này cũng bị bão lũ làm giảm mạnh sản lượng. Nhiều khách hàng thắc mắc tại sao giá tăng nhanh như vậy, nhưng thật sự chúng tôi không còn lựa chọn nào khác.”
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến giá rau, chi phí vận chuyển nông sản từ các tỉnh miền núi đến các thành phố lớn cũng bị đội lên do tình trạng đường sá bị hư hại nghiêm trọng. Nhiều con đường bị sạt lở, cản trở việc vận chuyển, làm kéo dài thời gian di chuyển và tăng chi phí nhiên liệu. Điều này càng làm cho giá cả nông sản tăng thêm, gây khó khăn cho người tiêu dùng.
Ngoài rau xanh, các loại củ quả như khoai tây, khoai lang, cà rốt cũng bị ảnh hưởng. Các vựa khoai ở Hưng Yên, Thái Bình bị thiệt hại nặng, khiến sản lượng giảm và giá cả tăng gấp đôi. Hiện tại, khoai tây tại chợ Kẻ Vẽ (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) đang được bán với giá khoảng 50.000-55.000 đồng/kg, trong khi trước đây chỉ khoảng 20.000-25.000 đồng/kg.
Nhu cầu tiêu thụ rau xanh của người dân lại không giảm, việc giá rau củ tăng mạnh đã ảnh hưởng đến các hộ gia đình có thu nhập thấp, các bạn sinh viên, vì thế họ đã chuyển sang mua các loại củ quả có thể bảo quản lâu hơn như khoai tây, cà rốt, hay bí đỏ để giảm thiểu chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT (tính đến trưa ngày 11/09), hiện có 160.851 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng 25.780ha; Thái Bình 11.000ha; Hà Nội 27.318ha; Bắc Giang 17.138ha; Hưng Yên 12.119ha; Hải Dương 18.500ha; Hà Nam 7.928ha; Lạng Sơn 4.495ha; Bắc Ninh 1.513ha; Vĩnh Phúc 10.284ha, Thái Nguyên 3.000ha, Yên Bái 2.559ha,...).
Ngoài ra, 30.700 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng 2.614ha; Nam Định 509ha; Thái Bình 3.345ha; Hà Nội 4.046ha; Hải Dương 3.000ha; Hoà Bình 6.728ha; Lạng Sơn 1.393ha,...).
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng, nếu tình hình bão lũ kéo dài và nguồn cung rau củ không sớm được khôi phục, việc tăng giá sẽ còn kéo dài, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhiều người dân.
Nhằm tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ rau củ quả để trục lợi trong thời điểm giá cả tăng cao, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan quản lý thị trường tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các chợ đầu mối và các cửa hàng bán lẻ sẽ được giám sát chặt chẽ để đảm bảo giá cả minh bạch và công bằng cho người tiêu dùng.
Lê Hồng