Sau 1 lần bị lùi thời gian do ảnh hưởng từ bão số 3, kế hoạch tắt sóng 2G sẽ chính thức được thực hiện tại Việt Nam vào hôm nay ngày 15/10. Trước tình hình đó, các nhà mạng đang tích cực triển khai các biện pháp để nâng cấp hạ tầng và dịch vụ của mình. Cuộc 'chạy đuổi' này không chỉ đơn thuần là việc cung cấp mạng di động mà còn là cuộc chiến giành thị phần, thu hút khách hàng và đáp ứng nhu cầu của người dùng.
"Cuộc đua" chuyển đổi 5G
Cụ thể, ngày 19/08/2024, Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cho biết đã nghiên cứu và triển khai thành công mạng 5G SA đầu tiên tại Việt Nam. Và từ ngày 15/10, sẽ khai trương dịch vụ 5G thương mại cho người dùng trên quy mô toàn quốc. Nhà mạng này cũng dự kiến phủ sóng 5G tại tất cả 63 tỉnh, thành trong tháng 10/2024. Thực tế thời gian qua, Viettel Telecom đã âm thầm triển khai chương trình dùng thử, trước khi công bố gói cước 5G với giá từ 135.000 đồng.
Hiện Viettel đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hãng smartphone lớn, phổ biến trên thị trường Việt Nam như Apple, Samsung, Xiaomi, Vivo, Oppo… nâng cấp firmware thương mại cho thiết bị smartphone hỗ trợ mạng 5G SA với mục tiêu cung cấp mạng 5G hiện đại nhất cho khách hàng ngay tại thời điểm khai trương.
Các dòng điện thoại bàn phím 4G được nhiều người dùng tìm mua sau khi 2G tắt sóng. |
Vinaphone và MobiFone cũng nhanh chóng công bố chương trình trải nghiệm cho người dùng trong tháng 10 và 11.
Theo đó, MobiFone là nhà mạng mới nhất tham gia vào cuộc đua 5G. Trong thông báo mới đây, nhà mạng cho biết "đang tập trung triển khai các công việc, sẵn sàng cho thương mại hóa 5G". Dự kiến, người dùng có thể trải nghiệm dịch vụ 5G từ tháng 11.
Trong khi đó, Vinaphone cho biết chương trình sử dụng thử 5G sẽ diễn ra từ 13/10 đến 15/11. Nếu đang sở hữu điện thoại 5G, khi đi qua các khu vực có sóng, người dùng sẽ nhận được tin nhắn mời trải nghiệm dịch vụ. Họ sẽ được tặng 50 GB data để dùng thử đường truyền tốc độ cao trong 30 ngày. Dự kiến đến hết năm 2024, VNPT sẽ hoàn thành lắp đặt trên 3.000 trạm phát sóng 5G, đặc biệt tại các khu vực đô thị và trung tâm kinh tế lớn trên toàn quốc.
Ông Lê Văn Tuấn, Nguyên Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TTTT) khẳng định: “Triển khai mạng 5G đã đến thời điểm chín muồi. Các nhà mạng Việt Nam cũng đã triển khai thử nghiệm 5G trong vài năm vừa qua. Các nhà mạng gần đây đều trả lời truyền thông là đã sẵn sàng triển khai 5G”.
Trước đó, từ năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra mục tiêu cho ngành Viễn thông Việt Nam là "trong nhóm đầu về phát triển mạng 5G, 6G của thế giới". Để làm được điều đó, Việt Nam đã khởi động nghiên cứu 6G, bên cạnh việc phân bổ tần số 5G và phát triển mạng 5G toàn quốc. Cục Viễn thông cho biết Ban chỉ đạo 6G cũng được thành lập và Việt Nam là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới có ban chỉ đạo này. Khi đó, mục tiêu được đặt ra là tần số 6G có thể được cấp phép vào năm 2028, trước khi tiến tới thương mại hóa.
Nhu cầu đổi điện thoại tăng cao
Theo thống kê từ các nhà mạng tính đến cuối ngày 10/10, Việt Nam còn gần 600.000 thuê bao đang sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G (2G Only), trong đó Viettel Telecom là 360.000, Vinaphone 150.000, MobiFone dưới 50.000 và Vietnam Mobile khoảng 10.000, chủ yếu là người cao tuổi, lao động có thu nhập thấp tại các vùng nông thôn, vùng núi,... và một số người dùng với nhu cầu cá nhân khác.
Đối với tình trạng thiếu hụt cục bộ điện thoại phím bấm 4G do nhu cầu tăng cao, nhiều hãng điện thoại đã nỗ lực giảm giá các dòng điện thoại để đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng. Cụ thể, các hãng điện thoại phổ thông như Masstel hay Nokia đã nâng cấp mẫu mã để thay thế cho từng dòng sản phẩm 2G ngay từ đầu năm 2023.
Trong khi đó các hãng smartphone: Samsung, Xiaomi, Realme, hay brand mới Honor thì đang đưa rất nhiều dòng sản phẩm xuống phân khúc thấp từ 2 - 3 triệu đồng để thúc đẩy khách hàng nâng cấp từ 2G lên thẳng các dòng smartphone giá rẻ thay vì nâng cấp điện thoại phổ thông có trang bị 4G.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ cho khách hàng khi mua điện thoại mới đã được triển khai. Đại diện Thế giới di động cho biết, hệ thống đã thực hiện nhiều chương trình như: Khách hàng mua điện thoại phím bấm 4G sẽ được giảm 30% khi mua SIM đi kèm; với các smartphone giá rẻ, hệ thống có chương trình trả trước 0 đồng, người dùng chỉ cần lấy máy về dùng và trả góp 0% lãi suất hàng tháng; ngoài ra, hệ thống còn tặng SIM data 4G miễn phí 3 tháng không giới hạn dung lượng cho khách hàng.
"Lượng khách đến cửa hàng mấy ngày gần đây rất nhiều, chủ yếu là tìm mua điện thoại chuyển đổi máy 2G sang 4G cho bố mẹ, ông bà. Hiện các dòng máy bàn phím 4G tại cửa hàng bán rất chạy bởi sự tiện dụng, dễ dùng và giá thành rẻ", chị Nguyễn Thị Phương - nhân viên bán hàng tại Hoàng Hà Mobile thông tin.
Tại một cửa hàng của Cellphone S, anh Phạm Minh Hùng (quận Hà Đông) - một khách hàng đang tìm mua điện thoại chia sẻ với VnBusiness: "2G tắt sóng rồi, tôi phải nhanh chóng mua điện thoại mới để nâng cấp cho bố mẹ. Họ quen dùng điện thoại cũ, cũng không biết nhiều về máy móc nên mình muốn tìm chiếc nào dễ sử dụng, có 4G hoặc 5G để đảm bảo kết nối ổn định".
Thực tế, từ khi có kế hoạch tắt sóng 2G, nhiều người cao tuổi đã cảm thấy lo lắng và băn khoăn rằng không biết phải làm gì. Bà Bùi Thị Thể (75 tuổi, Thanh Hóa) cho biết, khi nghe cháu gái nói về việc tắt sóng 2G, tôi nghe chẳng hiểu gì. Nhưng giờ đổi điện thoại mới, tôi cảm thấy khó để học cách sử dụng.
Được biết, Cục Viễn thông hỗ trợ chi phí cho nhóm nghèo và cận nghèo chuyển đổi máy điện thoại 2G, 3G lên điện thoại thông minh (smartphone) sử dụng 4G. Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam lập kinh phí để hỗ trợ việc này, chi phí hỗ trợ có thể lên đến 500.000 đồng/smartphone, áp dụng cho khoảng 400.000 máy dành cho hộ nghèo, cận nghèo. Các khoản hỗ trợ được phân phối qua nhà mạng. Các tỉnh có số lượng smartphone thấp sẽ được quan tâm hỗ trợ trước.
Lê Hồng