Hiện nay, chi phí phân bón chiếm tới gần 50% tổng giá thành vật tư đầu vào của sản phẩm trồng trọt. Mỗi năm, cả nước có nhu cầu sử dụng khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại. Vì vậy, việc phụ thuộc phân bón NK không chỉ khiến DN trong nước có nguy cơ bị phá sản, mà sẽ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp, đời sống của nông dân.
Bấp bênh do phụ thuộc Trung Quốc
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, thời gian qua, lượng phân bón NK gia tăng qua từng năm. Kết thúc năm 2014, Việt Nam nhập khẩu 3,7 triệu tấn phân bón các loại. Năm 2015, con số này tăng lên 4,56 triệu tấn. Năm 2016 là 4,15 triệu tấn. Năm 2017, Việt Nam đã NK 4,6 triệu tấn phân bón các loại.
Mới đây, theo Bộ NN&PTNT, ước tính khối lượng NK phân bón các loại 8 tháng đầu năm 2018 đạt 2,8 triệu tấn với kim ngạch 794 triệu USD. Trong đó, khối lượng NK phân đạm (urea) ước đạt 366.000 tấn với giá trị 102 triệu USD, tăng 21% khối lượng và tăng 33,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Đáng chú ý, nguồn NK phân bón chủ yếu là ở thị trường Trung Quốc. Vì vậy, các chuyên gia lo ngại nếu ngành phân bón nước ta còn phụ thuộc khá nhiều vào NK, chính sách xuất khẩu (XK) của các quốc gia cung cấp phân bón trên thế giới nói chung và của Trung Quốc nói riêng đều có thể ảnh hưởng đến tình hình phân bón tại Việt Nam.
Thực tế hiện nay, theo Bộ Công Thương, nguồn cung phân bón trên thế giới bị ảnh hưởng bởi ngành phân bón Trung Quốc đang lâm vào tình trạng khủng hoảng. Điều này xuất phát từ chiến dịch sưởi ấm bằng khí đốt (nguyên liệu dùng sản xuất phân bón) trong mùa đông năm 2018 tại quốc gia này.
Giảm nguồn cung nguyên liệu đồng nghĩa với việc làm giảm nguồn cung phân bón, Trung Quốc sẽ hạn chế XK để đáp ứng thị trường nội địa và đẩy giá phân bón tăng mạnh trên thị trường quốc tế.
Dữ liệu của công ty phân tích và dự báo thị trường AgroMonitor cho thấy, trong tháng 8/2018, giá urea hạt đục tại Trung Quốc và các thị trường thế giới đã tăng 20 - 30 USD/tấn. Giá phân bón Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động, khi đó sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất nông sản của Việt Nam.
Trong bối cảnh như vậy, PGs.Ts. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cho rằng cần phải xem lại các chính sách ưu tiên và ưu đãi về thuế, vốn vay... đối với các DN sản xuất phân bón trong nước.
Sản xuất phân bón là ngành quan trọng tạo điều kiện hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển. Nhà nước phải có chính sách và biện pháp hỗ trợ cho DN sản xuất phân bón để các DN này tồn tại và phát triển vững mạnh trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với phân bón nước ngoài.
![]() |
DN phân bón trong nước cần chính sách hỗ trợ để phát triển |
Cần hỗ trợ, ưu đãi DN trong nước
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, để sản phẩm nông nghiệp có giá thành cạnh tranh, Nhà nước phải tạo điều kiện hỗ trợ phát triển các dịch vụ đầu vào của ngành nông nghiệp, trong đó có ngành phân bón.
Các cam kết này cần phải được thực hiện nhanh chóng, qua đó giúp các DN trong ngành vượt qua khó khăn. Đơn cử như Đạm Cà Mau - một DN mạnh trong ngành để cạnh tranh với các tập đoàn nông nghiệp nước ngoài, nâng tầm vị thế của nền nông nghiệp Việt nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Thời gian qua, Đạm Cà Mau chủ động về sản phẩm cho nông nghiệp, chủ động nâng cao hiệu quả DN nhưng hiệu quả cuối cùng vẫn phụ thuộc vào nguồn khí, giá khí.
Cụ thể, việc phát triển dự án khí Lô B chậm hơn so với kế hoạch dẫn đến nguồn cung suy giảm nhanh so với tính toán ban đầu khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) của dự án. Hơn nữa, giá khí chưa được bảo đảm vì giá khí đang được Chính phủ xem xét lại cao hơn so với khi lập FS nghiên cứu khả thi dự án.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng hơn bao giờ hết, vai trò đồng hành với nông dân và DN của Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải thể hiện trong các quyết sách đúng đắn về nguồn khí và giá khí đầu vào cho Đạm Cà Mau.
Điều này cũng chứng minh hiệu quả đầu tư dự án Nhà máy Đạm Cà Mau của Nhà nước là đúng đắn và tiếp tục đồng hành để DN phát huy nội lực, mang lại những giá trị cụ thể, thiết thực cho nông nghiệp Việt Nam như trong những năm qua, DN này đã làm tròn vai.
Giới phân tích cũng cho rằng, nên đặt Đạm Cà Mau là DN trong lĩnh vực nông nghiệp, chứ không phải DN công nghiệp thuần túy, bởi đối tượng thụ hưởng sản phẩm cuối cùng là nông dân Việt Nam.
Phải nhấn mạnh rằng nếu không có các chính sách hỗ trợ để các DN phân bón trong nước phát triển, sản xuất nông nghiệp và gia tăng giá trị XK nông nghiệp của Việt Nam sẽ không thoát khỏi tình trạng phụ thuộc NK đầu vào.
Điều này khiến nền nông nghiệp Việt Nam phát triển theo chiều rộng, theo quy mô, không theo chiều sâu và chuỗi giá trị.
Thy Lê