Trong nước, với nhu cầu hơn 2,6 triệu tấn/năm, phân đạm (ure) là loại phân bón duy nhất có thể chủ động sản xuất được từ hai nguồn nguyên liệu than và khí.
Thời gian qua, hai nhà máy sản xuất đạm là Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình đã hoạt động kém hiệu quả, rơi vào tình trạng thua lỗ do giá thành sản xuất thường cao hơn giá bán trên thị trường 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do chạy bằng than có chi phí đầu vào đắt đỏ, càng chạy càng lỗ.
Vì vậy, hiện tại chỉ có hai nhà máy sản xuất phân đạm là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau còn duy trì hoạt động ổn định với công suất 1,6 triệu tấn.
Tự túc được nguồn cung
Nhìn lại những năm trước, thị trường phân bón khu vực và trong nước đứng trước nguy cơ và thách thức lớn, khi mà nhu cầu phân đạm trong cả nước đã lên đến 2 triệu tấn/năm nhưng sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 50%. Tại khu vực ĐBSCL, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của nước ta, do chưa có nhà máy sản xuất phân đạm nên nguồn phân đạm phụ thuộc vào nhập khẩu với chi phí cao.
Bởi vậy, năm 2011, Chính phủ quyết định đầu tư gần 1 tỷ USD xây dựng nhà máy Đạm Cà Mau (tại Cà Mau). Đạm Cà Mau ra đời đã giúp Nhà nước chủ động hoàn toàn nguồn phân đạm cho sản xuất nông nghiệp.
Với sự tham gia tích cực của hai nhà máy đạm chạy bằng khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đặc biệt Đạm Cà Mau với công suất đạt trên 800.000 tấn/năm, thế cân bằng trên thị trường vẫn được giữ vững, giá bán phân bón đến tay người nông dân ổn định góp phần vào sự bền vững của nền nông nghiệp.
Thực tế cho thấy giá phân đạm trong giai đoạn trước khi có Đạm Cà Mau là 11.000 đồng/ kg, hiện giờ giá chỉ còn là 6.000 đồng/kg phân đạm. Trong 7 năm qua, không những Việt Nam tự túc được nguồn phân đạm lâu nay vẫn phải nhập khẩu mà còn tiết kiệm được ngoại tệ, tiết kiệm chi phí vật tư nông nghiệp cho nông dân.
Đặc biệt, từ khi có nhà máy này đã không còn xảy ra tình trạng sốt phân, sốt giá mỗi khi cao điểm mùa vụ.
Trong nhiều năm qua, để phát huy nội lực, xứng đáng là dự án trọng điểm ngành Dầu khí, Đạm Cà Mau đã không ngừng nghiên cứu, tìm ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, giảm thiểu tác hại cho đất, cho môi trường.
Đạt được nhiều thành công trong thời gian vừa qua, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chính nhà máy Đạm Cà Mau lại đang đối mặt nhiều thách thức.
![]() |
Chính phủ chưa đưa ra quyết định giá khí áp dụng cho Đạm Cà Mau |
Phân bón nước ngoài ồ ạt vào
Trước đây khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (FS), nguồn khí vẫn còn dồi dào bảo đảm sản xuất ổn định của nhà máy, đồng thời giá khí được cam kết giúp doanh nghiệp này có hiệu quả.
Sau năm 2018, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Đạm Cà Mau tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ thua lỗ nếu nguồn khí không đủ cho 100% công suất thiết kế và Chính phủ phê duyệt giá khí áp dụng cho Đạm Cà Mau cao hơn nhiều lần so với khi lập FS.
Hiện nay, Chính phủ chưa đưa ra quyết định giá khí áp dụng cho Đạm Cà Mau, nhưng nếu giá khí áp theo công thức 46%FO/40,6+tariff, Đạm Cà Mau sẽ rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn, vì thời điểm này nhà máy vẫn chưa hết khấu hao. Hơn nữa, nợ nước ngoài khi xây dựng dự án, Đạm Cà Mau vẫn còn phải trả gần 200 triệu USD. Đây là khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ (nợ công).
Cùng với đó, việc phát triển dự án khí Lô B chậm hơn so với kế hoạch, dẫn đến nguồn cung suy giảm nhanh so với tính toán ban đầu khi lập FS.
Trong khi đó, Đạm Cà Mau còn phải cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ, bởi nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón ở các nước Đông Nam Á khá rẻ.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Hạc Thúy - Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết giá phân bón trên thế giới rẻ vì giá nguyên liệu sản xuất như than, khí xuống thấp. Trong khi đó, ở thị trường trong nước, giá than, giá khí không những không hạ mà đang có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Do đó, thời gian gần đây, các DN trong nước đẩy mạnh nhập khẩu phân bón, điều này gây khó khăn cho DN sản xuất phân bón trong nước. Hơn nữa, từ năm 2015 đến nay, việc đưa mặt hàng phân bón từ diện chịu thuế VAT 5% sang diện mặt hàng không chịu thuế theo Luật 71/2014/QH13, tạo ra những khó khăn đối với sự phát triển của sản xuất phân bón trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho phân bón nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam.
“Chính phủ luôn khuyến khích phát triển sản xuất phân bón công nghệ cao nhưng với điều kiện như vậy, các DN trong nước không phát triển được”, ông Thúy cho biết và mong muốn Nhà nước cần phải bảo đảm nguồn khí ổn định, với mức giá phù hợp để các nhà máy phân bón duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống người lao động, bảo đảm an ninh lương thực.
Thy Lê