Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết điều này tại cuộc họp báo nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam do Cục Thú y tổ chức chiều 11/6.
Không có chuyện giá lợn nhập khẩu mà bán 90.000 đồng/kg
Chiều 11/6, Bộ NN&PTNT đồng ý cho Cục Thú y nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam bắt đầu từ ngày 12/6.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến |
Trước băn khoăn của người dùng trong nước là lợn sống nhập khẩu liệu có rẻ hơn lợn trong nước, hay nhập giá rẻ về lại bán giá lên tới 90.000 đồng/kg? Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, cung cầu quyết định giá cả.
Đến hết tháng 4/2020, theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi.
Đồng thời, Việt Nam còn có sản lượng thuỷ sản, gia cầm lớn, dinh dưỡng đầy đủ, vì vậy song song với giải pháp nhập khẩu lợn sống, cơ quan chức năng cần tuyên truyền, khuyến khích để người dân sử dụng.
Theo ông Tiến, chắc chắn việc cho phép nhập khẩu lợn sống, thịt lợn, đi kèm với giải pháp đẩy mạnh tái đàn, khuyến khích người dùng tăng sử dụng thủy sản, gia cầm sẽ sớm hạ giá thịt lợn trong nước.
"Lợn sống nhập khẩu chắc chắn giá thấp hơn trong nước, đảm bảo giá thịt lợn ở mức độ hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng. Không có chuyện nhập lợn sống từ Thái Lan về mà bán với giá 90.000 đồng/kg", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết.
Tuy nhiên, ông Tiến từ chối tiết lộ giá thành nhập khẩu lợn sống. "Bộ NN&PTNT chỉ giải quyết chủ trương, tháo gỡ nút thắt để nhập khẩu lợn, còn giá phụ thuộc vào tính toán của doanh nghiệp nhập khẩu. Doanh nghiệp cân đối các chi phí mua lợn, vận chuyển, hao hụt, tiêm phòng, kiểm dịch để đưa ra mức giá hiệu quả...", ông Tiến nói.
Về thời điểm chấm dứt nhập khẩu lợn sống, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết sau khi lợi ích giữa người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng được cân bằng, giá thịt lợn về đúng giá thực, Bộ NN&PTNT sẽ thông báo tạm dừng nhập khẩu lợn sống trước một tháng.
Kiểm dịch nghiêm ngặt
Ngoài ra, ông Tiến thông tin thêm, lợn lớn nhập về Việt Nam, sau 5 ngày chờ kết quả xét nghiệm, nếu âm tính với các loại bệnh sẽ được đem đi giết mổ ngay. Còn với lợn choai 20 - 30kg được nuôi cách ly 14 ngày, sau đó chuyển đi nuôi ở các trang trại.
Nhập khẩu lợn sống bố, mẹ từ Thái Lan |
Thông tin thêm về nhập khẩu lợn sống, Cục trưởng Phạm Văn Đông cho biết, Cục Thú y đã thực hiện phân tích rủi ro nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan trên cơ sở hồ sơ do cơ quan thú y có thẩm quyền của Thái Lan cung cấp và kết hợp với họp đàm phán trực tuyến với Cơ quan Thú y Thái Lan.
Cụ thể, Thái Lan đã cung cấp đủ 7 nhóm tài liệu chính theo yêu cầu của Cục Thú y, bao gồm tài liệu về năng lực phòng thí nghiệm chẩn đoán xét nghiệm bệnh, kết quả giám sát và khống chế dịch bệnh, chương trình phòng chống lở mồm long móng đã được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận, kết quả kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn vệ sinh thú y đối với lợn sống, hệ thống truy xuất nguồn gốc, mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu…
Lợn có nguồn gốc từ các trang trại trong vòng bán kính 10km không có bệnh lở mồm long móng, tai xanh, viêm dạ dày ruột truyền nhiễm, sẩy thai truyền nhiễm, viêm mũi truyền nhiễm, giả dại, dịch tả lợn cổ điển, xoắn khuẩn trong vòng 12 tháng trước khi xuất khẩu...
Ông Đông cho biết, lợn nhập khẩu sẽ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đến các cửa khẩu trên đất liền được quy định của Việt Nam. Phương tiện vận chuyển được vệ sinh và tiêu độc khử trùng bằng các phương pháp đã được cơ quan thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác của Thái Lan phê duyệt.
Đặc biệt, Thái Lan đã đăng ký 8 trang trại xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam (số lượng trang trại đăng ký có thể thay đổi tùy từng thời điểm nhưng bảo đảm các trang trại này đều được cơ quan thú y có thẩm quyền của Thái Lan giám sát và đăng ký với Cục Thú y Việt Nam).
Các trang trại chăn nuôi này được quản lý theo tiêu chuẩn TSA 6403-2009 của Thái Lan về thực hành nông nghiệp tốt đối với trang trại chăn nuôi lợn, bao gồm quản lý chung về vệ sinh trang trại, vệ sinh môi trường, phòng chống và giám sát dịch bệnh, phúc lợi động vật, quản lý thức ăn, nước uống dùng cho lợn…
Theo ông Đông, việc thực hiện kiểm dịch nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Cụ thể, các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ được nhập khẩu lợn sống từ các trang trại của Thái Lan đã được cơ quan thú y có thẩm quyền của Thái Lan tổ chức kiểm soát, xác nhận và đăng ký xuất khẩu với Cục Thú y Việt Nam.
Doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải có xe vận chuyển lợn chuyên dụng, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và phúc lợi động vật, đồng thời phải có cơ sở nuôi cách ly kiểm dịch đáp ứng các yêu cầu theo quy định.
Các cơ sở cách ly kiểm dịch đàn lợn nhập khẩu sẽ được các cơ quan thú y thuộc Cục Thú y tổ chức kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, nếu bảo đảm yêu cầu theo QCVN 01-99:2012/BNNPTNT về Điều kiện vệ sinh thú y khu cách ly kiểm dịch động vật mới được phép đưa đàn lợn nhập khẩu vào nuôi cách ly kiểm dịch.
Thy Lê