Bên cạnh đó, có ý kiến lo ngại rằng lâu nay, Việt Nam cũng có một số giao dịch với Trung Quốc nhưng bằng USD. Sắp tới, có thể trong quan hệ đối tác, Trung Quốc sẽ đề xuất thanh toán bằng đồng tiền của họ nhiều hơn. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải tính toán để kiểm soát rủi ro của tỷ giá đồng nhân dân tệ.
Cần phải cân nhắc
Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam về các mặt hàng: máy tính và linh kiện, cao su thiên nhiên, than và gạo. Bởi vậy, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại đồng Nhân dân tệ Trung Quốc chính thức được đưa vào rổ tiền tệ quốc tế từ ngày 1/10/2016 sẽ ảnh hưởng xuất khẩu hàng hoá.
Dệt may là ngành hàng có nhiều giao dịch với Trung Quốc trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu. Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam – cho rằng đồng NDT gia nhập vào giỏ tiền tệ quốc tế sẽ có tác động tới ngành hàng này. Tuy nhiên, mức độ tác động ra sao thì cần có thời gian để đánh giá.
Đón nhận thông tin này, một doanh nghiệp xuất khẩu dệt may cho biết, thực tế từ trước đến nay, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều thanh toán bằng tiền USD. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu là gia công nên trong ngắn hạn với các đối tác đến từ châu Âu nên việc đồng NDT được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế không quá ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, sắp tới, Trung Quốc có thể sẽ đề xuất thanh toán bằng đồng tiền của họ nhiều hơn. Vậy doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt như thế nào?
Nhân dân tệ trở thành tiền quốc tế sẽ không làm thay đổi mọi thứ quá nhiều
Ts. Lê Đăng Doanh cho rằng doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ lưỡng xem có nên sử dụng thanh toán bằng đồng NDT hay không. Phân tích vấn đề này, ông Doanh cho hay: “Nếu chọn NDT, chúng ta sẽ phụ thuộc cả về thanh toán và thương mại”.
Thực tế, nếu thanh toán bằng NDT, doanh nghiệp sẽ phải đổi từ USD, Euro sang NDT, như vậy sẽ mất thêm một khoản chi phí không hề nhỏ. “Điều này gây tốn kém và Việt Nam cần xem xét và cân nhắc trong từng vụ việc”, ông Doanh khẳng định.
Đồng tình với quan điểm của ông Doanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Không nên mua đồng tiền này, hoặc nếu có, phải cân nhắc tỷ lệ tốt nhất.”
Phân tích nguy cơ này, một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp Việt bằng NDT. “Như vậy, chúng ta vừa mất quyền tài sản, vừa mất quyền trong_chính sách tiền tệ”, một chuyên gia nói.
Ổn định NDT, xuất khẩu có lợi
Đó là khẳng định của các chuyên gia kinh tế. Trao đổi với báo giới, ông Phong cho rằng, hiện nay, các quốc gia đều dự trữ các đồng tiền mạnh trên thế giới như USD, EUR, bảng Anh… Đồng NDT cũng nằm trong danh mục dự trữ ngoại hối của nhiều quốc gia, nhưng vì không bắt buộc nên tỷ lệ dự trữ Nhân dân tệ không cần nhiều.
Ông Doanh cho rằng các nước đưa NDT vào giỏ dự trữ với tỉ lệ bao nhiêu thì phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ thương mại và tài chính với nước đó, chứ không phải phụ thuộc vào số 9,8% mà IMF ấn định. Trong khi đó, chỉ số mua bán và sử dụng đồng NDT trên thực tế kém hơn nhiều so với mức 9,8%.
Trong khi đó, một số chuyên gia lại nhận định, điều này không làm thay đổi mọi thứ quá nhiều. Đặc biệt, đồng NDT của Trung Quốc không ảnh hưởng trực tiếp, mà chỉ ảnh hưởng gián tiếp đến Việt Nam.
Thực tế, từ trước đến nay, đồng NDT được ngân hàng Trung ương Trung Quốc điều tiết không theo thị trường, khiến nhà đầu tư luôn e ngại. Tuy nhiên, khi NDT được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, phản ánh hiện diện và vai trò kinh tế và thương mại của Trung Quốc trên thế giới.
Như vậy sẽ có lợi cho các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam vì Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ có trách nhiệm hơn với đồng tiền của mình.
“Nếu đồng Nhân dân tệ mạnh lên, có nghĩa đồng USD so với nhân dân tệ suy yếu. Nếu nó ổn định với USD thì tiền đồng so với Nhân dân tệ sẽ suy yếu. Kết quả là xuất khẩu sang Trung Quốc có lợi, còn nhập khẩu từ Trung Quốc gặp nhiều bất lợi.”, Ts. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.
H.Anh