Những ngày qua nhiều người tiêu dùng (NTD) Việt Nam đặt câu hỏi vì sao Nhật Bản không cho phép acid benzoic trong tương ớt, Việt Nam lại cho phép. Chất này có tác hại như thế nào mà Nhật Bản loại trừ khỏi danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm?
Người tiêu dùng lo lắng
Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, hiện nay trên trang www.city.osaka.lg.jp của Nhật Bản, đăng tải thông tin thu hồi tương ớt Chin-su của công ty Masan, do chứa phụ gia thực phẩm (axit benzoic). Điều này vi phạm Điều 11 khoản 2 Luật Vệ sinh thực phẩm của nước này, do axit benzoic không được cho phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản.
Theo trang thông tin này, kết quả phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo thuộc Viện nghiên cứu Công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật lần lượt 0,41 gr/kg với các chai có hạn dùng 10/6/2019, 0,44 gr/kg với hạn dùng 17/6/2019 và 0,45 gr/kg với hạn dùng 6/7/2019.
Khảo sát, tại các khu chợ từ bé tới lớn, các siêu thị to, nhỏ, các cửa hàng tiện lợi cho đến các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Hà Nội, tương ớt nhãn hiệu Chin-su vẫn được bày bán bình thường và là mặt hàng được nhiều NTD ưa chuộng. Không những thế, mỗi một cửa hàng hay siêu thị đều dành riêng một góc cho tương ớt Chin-su.
Chị Phương Khánh - chủ cửa hàng tiện lợi Minh Anh (kiốt 4B, chung cư Linh Đàm) chia sẻ: “Tôi đã nghe thấy thông tin về việc Nhật Bản thu hồi tương ớt Chin-su Việt Nam đang lưu hành ở thị trường nước này. Tuy nhiên, những ngày qua cửa hàng nhà tôi vẫn bán sản phẩm bình thường không nhận được thông tin cấm hay thu hồi từ cơ quan chức năng”.
Thông tin trên khiến NTD trong nước vô cùng lo lắng. Khi được hỏi về chất cấm có trong tương ớt Chin-su, Chị Thu Ngọc - nhân viên kế toán, cho rằng loại tương ớt Chin-su thường được NTD ưa chuộng do giá thành rẻ, lại phù hợp ăn kèm với nhiều loại thực phẩm khác. Vì vậy cơ quan chức năng Việt Nam nên có cuộc kiểm tra và đưa ra những kết luận chính thức để tránh gây hoang mang cho NTD.
“Nhà tôi hay dùng loại tương ớt này lắm, nhất là hai đứa con nhà tôi, thông tin này khiến tôi lo lắng cho sức khỏe của người thân trong gia đình”, chị Ngọc bày tỏ.
Tương ớt Chin-su vốn là mặt hàng được nhiều NTD ưa chuộng |
Tùy vào lượng ăn
Trước câu hỏi băn khoăn của NTD trong nước rằng tại sao Nhật Bản không cho phép sử dụng acid benzoic trong tương ớt thì Việt Nam lại cho phép. Một chuyên gia về công nghệ thực phẩm phân tích, hiện nay việc sử dụng acid benzoic trong điều chế thực phẩm có nước cấm, có nước không cấm.
Chuyên gia trên thông tin thêm, trước đây Codex không cho phép dùng acid benzoic trong sản phẩm dành cho trẻ nhỏ, do có bằng chứng về nguy cơ gây tăng động. Tuy nhiên ở Việt Nam lại chưa có sản phẩm nào có cảnh báo về lứa tuổi có thể sử dụng sản phẩm.
“Nhiều nước châu Âu cũng không cho phép sử dụng xúc xích chứa một số chất bảo quản cho trẻ em dưới 3 tuổi”, chuyên gia cho biết.
Theo các chuyên gia, axit benzoic nằm trong nhóm phụ gia thực phẩm, có tác dụng chống lại vi sinh vật, đặc biệt là nấm mốc. Khả năng chống nấm mốc của axit benzoic cao hơn đối với nấm men và vi khuẩn.
Ngoài tương ớt, axit benzoic còn được dùng trong các thực phẩm khác như sữa lên men, quả ngâm giấm, hoa quả ngâm đường, các loại sản phẩm nước trái cây, rau thanh trùng, bánh kẹo…
Do đó, tùy vào lượng ăn, sử dụng liều lượng 6 gr/kg thể trọng sẽ gây độc ở người. Nếu ăn nhiều axit benzoic cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic, để giải độc. Ngoài ra, axit benzoic có thể tác động tới hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.
Tại Việt Nam, hàm lượng acid benzoic cho phép (theo Thông tư 27/2012 và Thông tư 08/2015 của Bộ Y tế là 1 gr/kg sản phẩm).
Chuyên gia khẳng định, quan trọng là không được vượt quá giới hạn cho phép và đúng đối tượng thực phẩm.
Thanh Hoa