Đây là thông tin được Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra tại Bản tin Thị trường Nông, lâm, thủy sản mới công bố.
Cà phê hòa tan 3 trong 1 được người dùng Trung Quốc ưa chuộng (Nguồn: Internet) |
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, trong 10 ngày đầu tháng 3/2019, giá cà phê Robusta nhân xô trong nước biến động không đồng nhất tại các địa phương. Tại các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai và Đăk Nông, giá cà phê giảm 0,3% so với cuối tháng 2/2019; giá tại Đăk Lăk ổn định; trong khi giá tại Kon Tum và các kho quanh khu vực TP.HCM tăng 0,3% và 0,6% so với ngày 28/2/2019.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 2/2019, xuất khẩu cà phê đạt 115,1 nghìn tấn, trị giá 199,52 triệu USD, giảm 37,3% về lượng và giảm 38,5% về trị giá so với tháng 1/2019, giảm 11,4% về lượng và giảm 20,6% về trị giá so với tháng 2/2018. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê đạt 317,1 nghìn tấn, trị giá 551,76 triệu USD, giảm 10,1% về lượng và giảm 19,3% về trị giá so với 2 tháng đầu năm 2018.
Giá xuất khẩu cà phê tháng 2/2019 trung bình ở mức 1.733 USD/tấn, giảm 1,8% so với tháng 1/2019 và giảm 10,4% so với tháng 2/2018. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2019, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 1.740 USD/tấn, giảm 10,6% so với 2 tháng đầu năm 2018.
Trong bối cảnh giá cà phê giảm ở nhiều thị trường, Cục Xuất Nhập khẩu đánh giá Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng để ngành cà phê Việt Nam hướng đến. Theo số liệu thống kê từ ITC, nhập khẩu cà phê của Trung Quốc năm 2018 đạt 66.385 tấn, trị giá 301,56 triệu USD, tăng 1,4% về lượng và tăng 15% về trị giá so với năm 2017.
Năm 2018, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cà phê từ các thị trường Việt Nam, Brazil, Colombia, Guatemala, Ethiopia; giảm nhập khẩu từ Ý, Indonesia, Lào.
Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2018 với tốc độ tăng trưởng 3 con số, tăng 167,4% về lượng và tăng 279,4% về trị giá, mức tăng trưởng cao nhất trong số các nguồn cung cà phê chủ yếu cho Trung Quốc. Thị phần cà phê của Việt Nam tăng mạnh từ 16% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2017 lên mức 42,1% trong năm 2018.
Brazil là nguồn cung cấp cà phê lớn thứ 2 cho Trung Quốc với lượng nhập khẩu đạt 7.234 tấn, trị giá 21,56 triệu USD năm 2018, tăng 87,9% về lượng và tăng 70,8% về trị giá so với năm 2017.
Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Trung Quốc năm 2018 đạt mức 4.543 USD/tấn, tăng 13,4% so với năm 2017. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê từ Việt Nam năm 2018 đạt mức 3.243 USD/tấn, tăng 41,8% so với năm 2017. Ngược lại, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Trung Quốc từ nhiều thị trường giảm như: Brazil giảm 9,1%, xuống còn 2.981 USD/tấn; Colombia giảm 10,1%, xuống mức 3.526 USD/tấn; Guatemala giảm 12,3%, xuống mức 3.678 USD/tấn.
Thời gian gần đây, nhập khẩu mặt hàng cà phê hòa tan của Trung Quốc tăng mạnh do nhu cầu tăng nhanh hơn năng lực chế biến nội địa. Hiện, người dân Trung Quốc tiêu thụ chủ yếu là cà phê hòa tan, chiếm 99% về lượng và 98% về doanh số. Dạng cà phê hòa tan phổ biến nhất là 3 trong 1.
"Với nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng bởi thế hệ trẻ Trung Quốc thích uống cà phê trong văn phòng nhiều hơn trà và tầng lớp trung lưu gia tăng, Trung Quốc có thể coi là thị trường tiềm năng lớn đối với ngành cà phê Việt Nam", Cục Xuất Nhập khẩu đánh giá.
Thy Lê