Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND về việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) Tết Trung thu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022, thời gian triển khai từ ngày 15/8 - 15/9.
Tuyên truyền đến nhiều đối tượng
Mục đích là nhằm đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Trung thu. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân (Ảnh minh họa: Int) |
Đồng thời, đánh giá công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu của các cấp, các ngành từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Đặc biệt, trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định pháp luật về bảo đảm ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng trong công tác đảm bảo ATTP.
Theo đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông với sự tham gia của tất cả các ban, ngành, đoàn thể để phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản sản phẩm thực phẩm đến người dân.
Cụ thể, trong công tác tuyên truyền, đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm, đặc biệt là cơ sở sản xuất bánh Trung thu, tập trung phổ biến, tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, kiến thức thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất thực phẩm, chế biến thực phẩm theo quy định. Tuyên truyền các quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về sử dụng phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm, đăng ký công bố sản phẩm/tự công bố sản phẩm, bảo quản sản phẩm thực phẩm.
Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là cơ sở kinh doanh bánh Trung thu, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh nơi bày bán sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm, công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn sản phẩm thực phẩm, vệ sinh cá nhân người kinh doanh. Tuyệt đối không bán bánh quá hạn sử dụng, bánh mốc, không đảm bảo ATTP.
Đối với người tiêu dùng, đẩy mạnh tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm. Hướng dẫn lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng sản phẩm an toàn. Thông tin rộng rãi về những cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu đảm bảo ATTP và những cơ sở vi phạm quy định điều kiện ATTP.
UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP, xây dựng kế hoạch, triển khai bảo đảm ATTP phục vụ Tết Trung thu năm 2022. Triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
Giải quyết vấn nạn nhiều năm
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay, hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố bên cạnh việc phát triển các loại hình thương mại hiện đại cũng đang duy trì, phát triển kênh phân phối truyền thống là các chợ, cung ứng lượng lớn thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong khu vực.
Số liệu thống kê cho thấy, trên toàn địa bàn TP Hà Nội hiện có 22.286 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ, trong đó có 17.804 cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 1.483 cơ sở thuộc lĩnh vực công thương, 2.999 cơ sở thuộc lĩnh vực y tế… Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh ATTP, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa chưa mang lại sự an tâm cho người tiêu dùng Thủ đô.
Để kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông tại chợ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4727/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025” và chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tập trung triển khai thực hiện.
Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm ATTP... Đồng thời, hoàn thành công tác rà soát, khảo sát thực trạng cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ.
Thực hiện Đề án, trong 6 tháng đầu năm 2022, quận Hà Đông đã triển khai nhiều giải pháp như ban hành hàng loạt các văn bản tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn có liên quan, UBND phường triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Trong đó có việc khảo sát thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn; chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, kinh doanh khai thác chợ theo kết quả kiểm tra năm 2021 về công tác đảm bảo vệ sinh ATTP.
Phòng Kinh tế quận Hà Đông là đơn vị được giao nhiệm vụ cơ quan thường trực tham mưu UBND quận triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn đã triển khai các nội dung có liên quan đến đảm bảo vệ sinh ATTP trong chợ theo phân công, phân cấp. Trong đó, Phòng phối hợp với UBND các phường, ban quản lý chợ thường xuyên thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của UBND TP, các sở, ngành liên quan, UBND quận về việc triển khai thực hiện Đề án tới toàn bộ 16/16 đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ; các thương nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ và nhân dân trên địa bàn.
Việc tuyên truyền được thực hiện đa dạng các hình thức, như: Đăng tải các văn bản chỉ đạo, điều hành lên Cổng thông tin điện tử của quận, phường; thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của phường và các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Quận niêm yết công khai Đề án và kế hoạch thực hiện Đề án tại bảng tin chung của chợ; yêu cầu các ban quản lý chợ thông tin tới từng thương nhân kinh doanh thực phẩm trong chợ.
Nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu vào mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, tiến độ, biện pháp thực hiện Đề án, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, ban quản lý chợ và các thương nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm.
"Sau một thời gian đẩy mạnh tuyên truyền, bước đầu một số bà con đã chuyển biến nhận thức về đảm bảo ATTP. Rõ nét nhất là các quầy bán trái cây, thịt đều đã sắm các kệ để hàng trên cao. Trái cây nhập ngoại và một số hàng trái cây Việt Nam đã có tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Một số quầy kinh doanh thịt đã có giấy mua bán tại các lò mổ", Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông Nguyễn Việt Long thông tin.
Điển hình như HTX dịch vụ Hòa Bình, kinh doanh tại chợ Hà Đông. Ông Nguyễn Công Tuyền, đại diện cửa hàng của HTX cho biết, thời gian qua, Ban quản lý chợ đã tuyên truyền cho HTX các văn bản của UBND TP, Sở Công Thương về công tác đảm bảo ATTP trong kinh doanh. Đến nay, gian hàng của HTX đều thực hiện đúng các quy định. Cụ thể, HTX bán rau xanh, củ quả đều là sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Các loại thịt, cá, sản phẩm chế biến đều nhập từ những đơn vị có giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn về ATTP do cơ quan nhà nước chứng nhận, rõ nguồn gốc xuất xứ.
“Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về ATTP trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó chú trọng tới hệ thống chợ truyền thống. Song song đó, triển khai xây dựng tại chợ một số trạm xét nghiệm nhanh chất lượng sản phẩm; Hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ hoàn thiện những điều kiện theo quy định để được cấp biển nhận diện; Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ theo quy hoạch; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn”, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin.
Phương Linh