Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương vừa công bố ấn phẩm Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022. Tương tự như những ấn phẩm được xuất bản trước đây, nội dung Sách trắng được xây dựng từ kết quả điều tra gần 5.000 người tiêu dùng và khoảng 10.000 doanh nghiệp, cùng với số liệu tổng hợp từ một số tổ chức có uy tín trên thế giới.
Doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2017 – 2022 (tỷ USD). Nguồn: Sách Trắng Thương mại điện tử 2022 |
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, ước sang năm 2022, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử chính thức có hiệu lực.
Khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ thời gian qua, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, cũng như đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước.
Theo đó, doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2022 dự báo đạt 16,4 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng đạt khoảng 20% so với năm 2021. Doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam bao gồm doanh thu tất cả hàng hóa, dịch vụ bán qua kênh thương mại điện tử (loại trừ các giao dịch liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, trò chơi trực tuyến).
Cũng theo Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, ước tính số lượng người dùng mua sắm trực tuyến (triệu người) năm 2022 đạt 57 - 60 triệu người, trong đó giá trị mua sắm trực tuyến của một người Việt Nam vào khoảng 260 - 285 USD (tương đương 6,1 - 6,6 triệu đồng).
Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước chiếm 7,2 - 7,8%. Tỷ lệ người dân sử dụng internet chiếm 75%. Tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến chiếm 74,8%.
Loại hàng hóa được mua trên mạng nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (69%), thiết bị đồ dùng gia đình (64%), đồ công nghệ và điện tử (51%)… Người tiêu dùng mua hàng hóa chủ yếu qua website thương mại điện tử, diễn đàn và mạng xã hội, các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động…
Khảo sát giá trị hàng hóa mua sắm trực tuyến của một người trong năm cho thấy, đơn hàng dưới 2 triệu chiếm 25%, từ 2 - 5 triệu chiếm 32%, từ 5-10 triệu chiếm 19%, trên 10 triệu đồng chiếm 24%.
Đáng chú ý, người tiêu dùng mua hàng trên website thương mại điện tử nước ngoài chiếm 43%. Lý do người tiêu dùng lựa chọn mua hàng của người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tự Việt Nam là giá cả rẻ hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, hàng hóa có thương hiệu nước ngoài, chỉ có thương nhân nước ngoài có bán mặt hàng đó…
Ngoài ra, Sách Trắng thương mại điện tử 2022 cũng cho thấy tiêu chí người tiêu dùng quan tâm khi mua sắm trực tuyến là uy tín của website; ứng dụng thương mại điện tử; giao hàng nhanh và linh hoạt theo lịch đặt của khách hàng; nhiều chương trình khuyến mãi; giá rẻ hơn so với mua tại cửa hàng…
Nhưng ngược lại, các trở ngại khi mua hàng trực tuyến đến từ hàng chất lượng kém so với quảng cáo, lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ, chi phí vận chuyển cao, chất lượng dịch vụ vận chuyển và giao nhận kém; dịch vụ chăm sóc khách hàng kém.
Lý do người dùng chưa mua sắm trực tuyến là do mua hàng tại cửa hàng thuận tiện hơn, khó kiểm định chất lượng hàng hóa, không tin tưởng đơn vị bán hàng, sợ lộ thông tin cá nhân, chưa có kinh nghiệm mua bán trên mạng…
Nhật Linh