Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thúc đẩy kinh doanh thương mại điện tử sáng ngày 24/11.
Livestream bán hàng đang là phương thức được ưa chuộng. |
Bà Hồ Thị Tố Uyên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam giai đoạn 2014-2019 có tốc độ tăng trưởng trung bình 30%, doanh thu đạt 10,08 tỷ USD trong năm 2019.
Năm 2020, dù chịu tác động của đại dịch COVID-19, thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD.
Xét về tốc độ tăng trưởng thì phát triển thương mại điện tử Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á. Về quy mô, xếp thứ 3 sau Thái Lan và Indonesia. Dự báo, thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, năm 2025 đạt 52 tỷ USD.
Theo bà Uyên, một xu hướng nổi bật là đại dịch COVID-19 thay đổi thói quen người tiêu dùng Việt Nam, hướng tới mua sắm trực tuyến nhiều hơn.
Trước đây, doanh nghiệp xem thương mại điện tử là sự lựa chọn, thì giờ thương mại điện tử là yếu tố giúp doanh nghiệp tồn tại, đứng vững, vượt qua khó khăn do đại dịch.
Đặc biệt, phát triển kênh bán hàng online không chỉ diễn ra ở công ty lớn mà còn với cá nhân, người kinh doanh nhỏ lẻ. Thống kê từ cơ quan thuế cho thấy, có cá nhân đạt doanh thu khủng lên tới hàng trăm tỷ đồng một năm.
Cùng với thương mại điện tử, xu hướng bán hàng qua livestream phát triển mạnh, thống kê của một số công ty cho thấy, trung bình mỗi ngày, Việt Nam có 70.000 - 80.000 phiên livestream bán hàng trên nền tảng bán hàng online, 2.000 - 3.000 phiên livestream bán hàng trên sàn thương mại.
Là đơn vị cung ứng dịch vụ, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam, cho hay báo cáo quý III của Lazada, cho thấy người tiêu dùng ưu tiên mua sắm qua thương mại điện tử tăng mạnh, đặc biệt trong thời kỳ giãn cách vì dịch bệnh.
Cụ thể, số lượng người sử dụng, mua hàng, số lượng đơn hàng đều tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Số lượng người bán hàng trên sàn Lazada tăng gấp 1,5 lần. Mặt hàng được ưu tiên trong thời gian gần đây là ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng hàng ngày, nhóm hàng liên quan tới bảo vệ sức khỏe, làm đẹp.
Tuy nhiên, kinh doanh online phát triển mạnh cũng đi kèm những rủi ro. Ông Cao Xuân Quảng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cho rằng lợi ích và xu thế kinh doanh từ kênh online và thương mại điện tử là không phải bàn.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, vừa qua có nhận được nhiều khiếu nại về vấn đề này. Trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm, đơn vị tiếp nhận 500 - 2.000 khiếu nại, trong đó nhiều khiếu nại liên quan tới giao dịch trực tuyến như bảo vệ thông tin, giao hàng không đúng, tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng sai sự thật, giải quyết tranh chấp không thỏa đáng...
Thy Lê