Ngày 9/2, trong thông cáo báo chí phát đi, Tập đoàn Masan cho biết, nối tiếp thành công bước đầu của việc triển khai kiosk Phúc Long tại các điểm bán thuộc nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp WinCommerce (WCM), Masan đã tăng tốc chiến lược Point of Life (“POL”) bằng cách xây dựng và thí điểm mini-mall, mô hình phục vụ đa dạng các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu (bao gồm nhu yếu phẩm, dược phẩm, sản phẩm tài chính và dịch vụ giải trí, viễn thông chiếm 60-80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt) trên một hệ sinh thái tích hợp từ offline đến online.
Masan nâng sở hữu 51% cổ phần tại chuỗi cà phê Phúc Long nhằm phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc. |
Masan cho biết, các cửa hàng thí điểm mang lại kết quả khả quan, Masan tự tin rằng mô hình mini-mall thu hút khách hàng sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số và giảm doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn, từ đó gia tăng lợi nhuận.
Tháng 1/2022, Masan tiếp tục mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%. Với giá 110 triệu USD cho 31% cổ phần tương ứng định giá vốn cổ phần của Phúc Long là 355 triệu USD, P/E xấp xỉ 15x dựa trên ước tính lợi nhuận sơ bộ năm 2022.
Trước đó, vào tháng 5/2021, Masan đã chi 15 triệu USD mua 20% cổ phần của Phúc Long. Ông Lâm Bội Minh, cổ đông sáng lập của Phúc Long cho rằng "sự đồng hành cùng Masan sẽ giúp thương hiệu Phúc Long đạt được sự phát triển ở tầm cao mới"...
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc WinCommerce, kỳ vọng việc hợp tác sẽ "đưa thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê Phúc Long vươn ra thế giới", giúp chiến lược phát triển hệ sinh thái tiêu dùng "Point of Life" mà Masan đang hướng tới ngày càng tiệm cận thực tế.
Dữ liệu từ thương vụ trên cho hay hiện tổng tiêu thụ trà và cà phê tại Việt Nam ước tính 2,3 tỷ USD cùng tốc độ tăng trưởng dự kiến hơn 10%/năm, trong đó chuỗi cửa hàng bán lẻ trà và cà phê có thương hiệu chỉ chiếm 25%, bao gồm các thương hiệu lớn như Highlands Coffee (trên 300 cửa hàng), The Coffee House (trên 150 cửa hàng) và Starbucks (trên 70 cửa hàng).
Trong khi đó, Masan kỳ vọng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng WinMart hiện có. "Kể từ khi nhận được khoản đầu tư ban đầu của Masan, Phúc Long thể hiện sức mạnh cộng hưởng mạnh mẽ với chiến lược POL. Chiến lược này giờ đây sẽ tăng tốc hơn nữa khi Phúc Long trở thành công ty thành viên của Masan", Masan đánh giá.
Về kết quả kinh doanh năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group đạt 88.629 tỷ đồng, tăng 14,8% so với mức 77.218 tỷ đồng của năm 2020. Không tính doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu thuần trong năm tài chính 2021 tăng trưởng 16,6%.
Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) hợp nhất năm tài chính 2021 đạt 16.361 tỷ đồng, tăng 58,1% trong khi biên EBITDA đạt mức 18,5% so với 13,4% của năm 2020. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ EBITDA nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp WinCommerce (The CrownX) tăng trưởng 72,9%.
Theo dự báo sơ bộ của Masan, trong năm tài chính 2022, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group ước tính sẽ từ 90.000 – 110.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22% – 36% so với mức 74,2 nghìn tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021. Doanh thu từ các mảng kinh doanh phục vụ người tiêu dùng (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi và MHT) dự kiến sẽ tăng lên 85% trong năm tài chính 2022. Lợi nhuận thuần trong hoạt động kinh doanh chính (loại trừ các khoản lãi / lỗ 1 lần và mảng thức ăn chăn nuôi) ước tính sẽ trong khoảng 5.000 – 7.000 tỷ đồng, tăng trưởng 32% – 84% so với mức 3.800 tỷ đồng trong năm 2021.
Đặc biệt, mảng kinh doanh mới, Masan dự kiến trong năm 2022, doanh thu Phúc Long sẽ đạt từ 2.500 – 3.000 tỷ đồng, nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và kiosk trong WCM cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê.
Thanh Hoa