Bộ NN&PTNT cho biết, 500 con lợn sống đầu tiên nhập từ Thái Lan sau khi về đến cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), hoàn thiện các thủ tục hành chính đã được đưa đưa về khu cách ly tại xóm 3, Nghĩa Đức, Nghĩa Đàn (Nghệ An).
Giá đã giảm nhưng chưa sâu
Công ty TNHH Thành Đô (Nghệ An) là đơn vị nhập lợn sống từ Thái Lan với số lượng 500 con, trọng lượng 90 - 130kg/con. Dự kiến, nếu xét nghiệm âm tính với các loại bệnh, số lợn này sẽ được đem đi giết mổ và tiêu thụ tại thị trường ngay.
![]() |
500 con lợn sống đầu tiên nhập khẩu từ Thái Lan đã về tới Việt Nam |
Liên tiếp những ngày qua, động thái nhập khẩu lợn sống đã khiến giá lợn hơi trong nước "tự động" giảm giá. Khảo sát thị trường ngày 17/6 cho thấy, giá lợn hơi tiếp tục giảm sâu ở nhiều địa phương, dao động trong khoảng 85.000 - 89.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam thông báo sẽ không tăng giá bán lẻ thịt lợn pha lóc, đồng thời giảm giá bán thịt lợn mảnh 2.000 đồng/kg xuống còn 104.000 đồng/kg kể từ ngày 17/6.
Tuy vậy, giá lợn hơi trong nước có thể về mức lý tưởng 60.000 đồng/kg xem ra vẫn phải chờ thêm một thời gian tới.
Theo Bộ NN&PTNT, kết quả đến tháng 5/2020, theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào ngày 31/12/2018), tăng trưởng 5,78%/tháng.
Trong đó, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn tăng 68,35%. Dự kiến đến quý IV/2020 đảm bảo cơ bản nhu cầu lợn giống, lợn thương phẩm.
Hơn nữa, Bộ NN&PTNT cho rằng nhập khẩu lợn sống chỉ là một trong nhiều giải pháp trước mắt để “hạ nhiệt” giá thịt lợn, sẽ chấm dứt nhập khẩu lợn khi nguồn cung trong nước đảm bảo, giá hài hòa lợi ích giữa các bên.
Giải pháp mấu chốt nhất, theo Bộ NN&PTNT, là đẩy mạnh tái đàn lợn thông qua các chính sách hỗ trợ của các địa phương.
Nhưng chưa phải là giải pháp lâu dài
Hiện, một số địa phương đã có chính sách hỗ trợ như Yên Bái hỗ trợ 4 triệu/nái hoặc đực giống khi mua tái đàn. Vĩnh Phúc hỗ trợ 2 triệu đồng cho một con nái tái đàn. TP Hà Nội hỗ trợ 5 triệu/nái khi mua tái đàn...
Bộ NN&PTNT cho rằng địa phương nào đã hết dịch (qua 30 ngày) cần khẩn trương công bố hết dịch, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp yên tâm tái đàn, tăng đàn; hoàn thiện hồ sơ chi trả kinh phí cho các hộ, cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi để có nguồn lực tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.
Đồng thời, các địa phương có chính sách về lãi suất tiền vay, chính sách về đất đai cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn, chăn nuôi an toàn sinh học theo chu kỳ sản xuất.
Tăng cường năng lực cho các cơ sở nuôi giữ giống, quản lý và sản xuất giống theo tháp giống, tăng tỷ lệ chọn giống, nâng cao năng suất sinh sản của đàn nái hiện có, năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh.
Nhìn nhận về bất cập của ngành chăn nuôi lợn vừa qua, ông Văn Đức Mười - nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết trong thực tế có nhiều yếu tố tác động đến ngành chăn nuôi, vai trò chủ đạo của Nhà nước là bằng những chính sách hữu hiệu tháo gỡ những nút thắt nội tại, tận dụng lợi thế vùng miền, quyết tâm tái cấu trúc ngành chăn nuôi, tạo được vùng an toàn dịch bệnh.
Đặc biệt, phải có biện pháp kiểm soát môi trường cạnh tranh giá phù hợp, vừa kích thích được chăn nuôi phát triển tái đàn, ổn định giá cả thị trường, vừa đảm bảo giá thành, người chăn nuôi luôn có lãi hợp lý. Đó chính là động lực để phát triển và ổn định lâu dài, sẽ dần dà từng bước loại bỏ tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại.
Trong khi đó, theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM), về lâu dài cần có những doanh nghiệp lớn của Nhà nước trong lĩnh vực thực phẩm để có thể tham gia bình ổn giá thịt lợn trên thị trường.
Theo ông Ngân, lĩnh vực chăn nuôi và lương thực phải được quan tâm, nhưng lĩnh vực liên quan đến đời sống an sinh xã hội của người dân phải có sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước, qua đó mới điều tiết được thị trường. Bởi vì trong cơ chế thị trường là tác động về nguồn cung, nguồn cung dồi dào thì giá sẽ giảm, vậy làm chủ được nguồn cung thì giá sẽ giảm.
Thy Lê