Ngày 25/6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức đoàn kiểm tra tại Công ty Điện lực Thanh Xuân (thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội). Tham dự cuộc làm việc có đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng.
Người dân có quyền nghi ngờ
Đại diện cho người dùng điện, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng việc hoá đơn tăng tới vài lần, người dân hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn.
![]() |
EVN khẳng định công nhân ghi chỉ số công tơ điện không có động cơ ghi sai để trục lợi (Ảnh: TL) |
Ông Hùng chia sẻ: “Thời tiết đã nóng, hoá đơn tiền điện còn “nóng" hơn. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là thông tin minh bạch. Câu hỏi nhiều người đặt ra là liệu có sự can thiệp vào công tơ khiến hoá đơn tăng bất thường không?".
Trước băn khoăn của người tiêu dùng, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh của EVN cho biết, các công tơ được đưa ra lưới, được kiểm định kẹp chì, niêm phong cẩn thận.
Trả lời câu hỏi liệu có ai cố tình ghi sai số điện để hưởng lợi? Ông Dũng cho hay, người ghi số điện thì không tính hoá đơn, người làm hoá đơn thì không thu tiền điện… Đặc biệt là các công nhân, họ không có động lực gì để làm sai.
Ông Dũng khẳng định: Ngành điện thiết lập cơ chế kiểm tra giám sát đến tối đa. Khi chỉ số công tơ bất thường, nhân viên điện lực sẽ ngay lập tức vào cuộc kiểm tra.
Bổ sung thêm, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, cho rằng, những sự cố vừa qua ở Quảng Ninh, Quảng Bình, Nghệ An… đều là “sự cố cá nhân”. Ngành điện sẽ tiếp tục kiện toàn hơn vấn đề ý thức của cán bộ nhân viên ngành điện. Tăng cường kiểm tra, giám sát những hoá đơn tiêu thụ điện tăng đột biến, có nhiều cấp khác nhau cùng giám sát, xử lý kịp thời.
Khách hàng có được tự lắp công tơ để theo dõi?
Hiện nay, ngành điện đang cung cấp từ công tơ đến dây dẫn, vậy trước sự nghi ngờ của người dùng, liệu rằng ngành điện có thể cho phép người dùng tự mua và lắp đặt công tơ riêng? Đại diện EVN cho biết, theo quy định của Luật Điện lực, đơn vị bán hàng phải cung cấp và lắp đặt hệ thống đo đếm, cho nên việc lắp đặt công tơ là trách nhiệm của ngành điện lực, đã được luật định.
Người dân có thể đấu nối thêm một công tơ (ngay phía sau công tơ của ngành điện) để đối chứng việc ghi chỉ số điện hay không? Lãnh đạo EVN cho rằng, tất cả các thiết bị đo đều có sai số, là sai số cho phép. Ví dụ, công tơ của một khách hàng đang sử dụng bây giờ có sai số là 1%, nghĩa là mức độ chính xác của công tơ này là +1 hoặc -1 (sai số đo đếm).
Sai số này được quy định bằng Luật Đo lường. Chính vì vậy, khi lắp 2 công tơ mà có một công tơ sai số là 0,5%, một công tơ 0,1% thì đó cũng là chuyện bình thường.
"Tất cả công tơ đưa lên lưới đều hợp chuẩn, phải được kiểm định và đảm bảo sai số cho phép. Đối với công tơ điện tử thì sai số rất nhỏ", vị này cho hay.
Bổ sung thêm thông tin về quy trình kiểm định công tơ khi khách hàng có nhu cầu, bà Tô Lan Phương - Trưởng ban Kinh doanh của Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, nếu khách hàng có nhu cầu, công ty điện lực sẽ đến và tháo công tơ trước sự chứng kiến của khách hàng, mang đi kiểm định.
Khi kiểm định tại trung tâm kiểm định của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, nếu khách hàng không có kiến nghị, thắc mắc gì, kết quả kiểm định đó sẽ được công nhận. "Nếu thắc mắc và muốn kiểm định ở một cơ sở độc lập, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm định ở các cơ quan quản lý nhà nước của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng", bà Phương cho biết và khẳng định người dân có quyền mua công tơ để đối chứng.
Thy Lê