Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới kéo dài 4 ngày, nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của người dân tăng cao, việc đặt phòng khách sạn, khu nghỉ dưỡng trực tuyến trở thành lựa chọn phổ biến vì tính tiện lợi và nhanh chóng.
Tuy nhiên, tình trạng lấy hình ảnh của resort, khách sạn, giả mạo công ty du lịch sau đó lập trang web, fanpage Facebook giả mạo chính resort đó, rồi lừa khách chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt cũng đang rất phổ biến.
Công an TP Hà Nội vừa thông tin, thời gian gần đây, trong các hội nhóm trao đổi, mua bán vé máy bay xuất hiện nhiều đối tượng rao bán vé máy bay với giá rẻ bất ngờ và yêu cầu người mua chuyển tiền đặt cọc, sau đó chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Các đối tượng lợi dụng tâm lý ham rẻ, một số đối tượng tạo lập các tài khoản Facebook ảo, đăng tải các bài viết rao bán vé máy bay, đặt phòng giá rẻ trong các hội nhóm nhiều người tham gia. Sau khi có người liên hệ hỏi mua, các đối tượng yêu cầu chuyển tiền đặt cọc, sau đó chiếm đoạt. Nhiều người dân đã bị lừa tới chục triệu đồng.
Năm 2023 người Việt Nam mất gần 16 tỷ USD vì lừa đảo trực tuyến, trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. |
Các đối tượng thường giả mạo các công ty du lịch nổi tiếng,lấy hình ảnh của resort, khách sạn sau đó lập trang web, fanpage Facebook giả mạo chính resort đó, để gửi cho khách hàng tư vấn dịch vụ, đính kèm trong bài đăng số điện thoại dễ nhớ và tên tài khoản ngân hàng uy tín, minh bạch. Nội dung bài đăng thường là quảng bá về các chương trình khuyến mãi, voucher với ưu đãi lớn và số lượng có hạn.
Sau khi nạn nhân hoàn tất chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng gửi mã code vé, code đặt phòng cho nạn nhân.
Không ít trường hợp du khách đặt phòng thông qua trang Facebook của các resort, khách sạn, đã thanh toán tiền hoặc đặt cọc 30-50% nhưng khi đến nhận phòng lại phát hiện bị lừa đảo vì nhân viên của các cơ sở nói trên thông báo, không có khách hàng đặt phòng có tên như đã trình bày.
Vào dịp lễ giỗ Tổ trước đó, một đoàn 20 khách từ Hà Nội đến TP HCM đặt phòng qua một người trung gian đã không được đưa đến đúng địa chỉ thỏa thuận và không đòi được tiền cọc là 50%.
Gần đây nhất, dịp 30/4 và 1/5 chị Thuỳ Linh (Hà Nội) bị lừa hơn 5 triệu khi đặt cọc trên một fanpage giả mạo trên Facebook tour ngắm Vịnh Hạ Long.
Chị Linh cho biết khi hỏi thông tin và giá phòng thì họ tư vấn rất bài bản và còn giới thiệu chương trình khuyến mại 30%. Thấy giá giảm sâu chị Linh chuyển 50% giá tour để giữ chỗ. Tuy nhiên, đến ngày khởi hành chị Linh gọi điện vào số điện thoại của nhân viên tư vấn thì không liên lạc được.
Một chủ kinh doanh du thuyền ở Quảng Ninh chia sẻ, anh từng tiếp nhận rất nhiều lượt khách đến công ty để phản ánh tình trạng đã đặt cọc giữ chỗ tour, nhưng khi doanh nghiệp kiểm tra thì lại không hề có thông tin đặt tour. Khách hàng mở tin nhắn xác nhận đặt tour thì mới phát hiện được gửi từ fanpage giả mạo.
Để tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn nêu trên, các công ty du lịch khuyến cáo khách hàng cần thận trọng khi gặp những người yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, gồm cả mật khẩu, chào mời các tour du lịch, vé máy bay, đặt phòng khách sạn... Trong trường hợp này, người dùng phải luôn kiểm tra các tài khoản chính thức hoặc liên hệ trực tiếp để đảm bảo tính hợp pháp, tránh cung cấp thông tin cá nhân cho những bên lạ mặt.
Đồng thời, người đặt phòng cũng cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự.
Đặc biệt, khách du lịch nên ưu tiên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán. Xác nhận lại thông tin đặt phòng để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo.
Đặc biệt du khách cũng cần cảnh giác trước những lời mời chào với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30-50% so với giá chung của thị trường), thận trọng khi đối tác yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể chỉ nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.
Nền tảng du lịch trực tuyến Traveloka khuyến cáo khách hàng chỉ đặt vé máy bay, khách sạn hoặc vé vui chơi, tour du lịch, thực hiện giao dịch thanh toán tại website và ứng dụng chính thức của các đơn vị du lịch. "Các công ty hoặc đại lý du lịch hợp pháp sẽ không yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu một lần, OTP, nhấp vào liên kết để cung cấp thông tin cá nhân, chi tiết tài khoản", đại diện Traveloka chỉ rõ.
Thanh Hoa