Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, qua tiếp nhận thông tin từ báo chí có hiện tượng "đội lốt" hoa quả nhập khẩu, Cục đã chỉ đạo các Đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra mặt hàng hoa quả nhập khẩu.
Phát hiện nhiều vi phạm
Theo đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có Công văn số 541/QLTTHN-NVTH ngày 12/7/2022 chỉ đạo kiểm tra các cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu trên địa bàn thành phố, từ đó chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm, không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra mặt hàng hoa quả nhập khẩu. |
Cụ thể, tại những chợ đầu mối, chợ dân sinh, các Đội quản lý thị trường có nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tại các chợ, vi phạm trong các hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố. Kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, lưu thông trái cây nhập lậu, trái cây giả mạo nguồn gốc, xuất xứ và gian lận khác (như vi phạm về đăng ký kinh doanh, niêm yết giá, ghi nhãn hàng hóa…).
Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng sẽ phối hợp với cơ quan lực lượng chức năng như phòng nghiệp vụ PC05, PC03, PA04 Công an TP Hà Nội, Sở Công thương triển khai giám sát, kiểm tra, kiểm soát với các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu, lưu trữ, bảo quản lưu thông số lượng lớn trái cây nhập khẩu trên địa bàn thành phố.
Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, từ ngày 12/7 - 15/9/2022, Đội Quản lý thị trường số 17 đã kiểm tra 16 vụ. Trong đó, có 13 vụ đã được xử lý, 3 vụ đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ; xử phạt hành chính 50,65 triệu đồng. Trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy lên đến 36.956.000 đồng; số trái cây tiêu hủy là 1.168,5kg các loại.
Điển hình, ngày 15/9, Đội Quản lý thị trường số 17 đã kiểm tra cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu “Huyền Long Biên” (số 39 phố Hồng Hà, quận Ba Đình) phát hiện và thu giữ 120kg trái cây nhập khẩu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trị hóa hàng hóa vào khoảng 9,9 triệu đồng.
Trong 2 ngày 14 và 15/9, Đội Quản lý thị trường số 17 thu giữ 355kg hàng hóa vi phạm. Số hàng hóa này ngay tại thời điểm kiểm tra không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên buộc phải tiêu hủy theo định của pháp luật. Hiện, Đội Quản lý thị trường số 17 vẫn đang tiếp tục làm rõ và xử phạt nhiều cửa hàng theo đúng quy định.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 13 cũng đã kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh trái cây Fresh Fruits (số 160 Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) bày bán dưa lưới Nhật Bản và lựu Peru có nhãn mác bằng tiếng nước ngoài nhưng không có hóa đơn chứng từ… Đội Quản lý thị trường số 13 đã ra quyết định phạt cửa hàng 3 triệu đồng, đồng thời tiêu hủy số hoa quả trên.
Người tiêu dùng tránh "cả tin"
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát đối với mặt hàng trái cây, hoa quả nhập khẩu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có), góp phần vào bảo vệ người tiêu dùng, để người tiêu dùng có thể được lựa chọn sử dụng các sản phẩm đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Thực tế, những năm gần đây, trên thị trường Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng xuất hiện nhiều loại hoa quả được cho là nhập khẩu từ Australia, Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ai Cập, Nam Phi, Chile, Ecuador...
Nếu như trước kia, hoa quả nhập khẩu chủ yếu được bán tại các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng nhập khẩu, trung tâm thương mại với mức giá “tiền triệu” thì nay hoa quả “ngoại” được bán trong các quầy hàng ở chợ, qua mạng xã hội với lời quảng cáo là hoa quả xách tay, nhập khẩu chính ngạch kèm cả hình ảnh tem nhãn có dòng chữ HACCP, GolbalGAP...
Với tâm lý “sính ngoại”, không ít người tiêu dùng chọn các loại hoa quả “xịn” với hình thức đẹp, bóng bẩy. Tuy nhiên, theo ghi nhận trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian gần đây phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh hoa quả nhập khẩu có thủ đoạn tinh vi, nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ, chất lượng. Nhiều sản phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt để đánh lừa người tiêu dùng.
Nếu căn cứ vào những lời giới thiệu như táo New Zealand, nho Mỹ, xoài Ấn Độ, cam quýt Thái Lan, lê Trung Quốc…, người tiêu dùng rất dễ mắc lừa mua về để thưởng thức. Tuy nhiên, những loại trái cây cao cấp đắt tiền này có đúng như lời giới thiệu không, được bảo quản bằng hóa chất gì và có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không, thực tế rất khó biết vì ngay nguồn gốc của chúng cũng rất mập mờ.
Ví dụ như thực tế nho sữa Nhật có giá 1,5-1,7 triệu đồng/kg, nho sữa Hàn có giá 0,8 - 1,2 triệu đồng/kg, nhưng có chủ tài khoản Facebook rao bán chỉ chưa đến 100.000 đồng/kg mà vẫn là “hàng xịn”. Vì vậy, các cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu uy tín khẳng định đây là nho sữa Trung Quốc, và cũng thuộc loại “hàng xả”.
Đáng chú ý là có rất nhiều hóa chất đang được dùng để bảo quản trái cây, được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là đất đèn và một số hóa chất độc hại khác. Hóa chất được nói đến nhiều là chất chống nấm dùng trong xây dựng rẻ tiền. Trái cây sau khi được nhúng dung dịch này, các vi sinh vật bám vào sẽ chết ngay nên giữ được vẻ tươi đẹp rất lâu. Có nơi người ta còn dùng cả chất 2,4D là một loại thuốc diệt cỏ để tẩm ướp bảo quản trái cây. Đây là một hóa chất độc, dùng liều lượng cao có tác dụng diệt cỏ, dùng nồng độ thấp có tác dụng kích thích làm cho trái cây tăng kích thước nhanh bất thường. Ngoài ra còn có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa, giúp trái cây tươi lâu…
Chính vì vậy, song song với công tác kiểm tra, giám sát, lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội đã tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh nói chung và cơ sở kinh doanh trái cây tươi nhập khẩu nói riêng cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng nên cẩn trọng và kiểm tra kỹ trước những thông tin hoa quả nhập ngoại, lựa chọn, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các địa chỉ uy tín để đảm bảo sức khỏe bản thân, gia đình và lợi ích chung của toàn xã hội.
Phương Đức