Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong các tháng 5, tháng 6 và nửa đầu tháng 7 năm 2020, thời tiết nắng nóng cả nước, đặc biệt đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua, nhiệt độ trung bình cả nước cao hơn 1-1,5 độ C so với năm 2019. Do vậy, đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện và tiền điện của nhiều hộ dân tăng cao do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh.
Đề xuất cho khách hàng sinh hoạt sử dụng điện một giá. |
Theo số liệu báo cáo thống kê của EVN cho thấy đã có hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.
Trong tháng 6/2020, số khách hàng có điện tiêu thụ tăng từ 30% trở lên là 7,63 triệu khách hàng so với cả tháng 5/2020. Tỉ lệ tăng cao nhất ở Hà Nội, miền Bắc và miền Trung do yếu tố nắng nóng. Số khách hàng theo các mức tăng đều cao hơn của cả tháng 5/2020. Cũng trong thời gian qua đã có nhiều thắc mắc của các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt về hoá đơn tiền điện tăng cao.
Qua kiểm tra, rà soát tình hình thực tế, Bộ Công Thương đề ra nhiều giải pháp chính như: Chỉ đạo EVN, các Tổng công ty điện lực nâng cao công tác dịch vụ khách hàng.
Triển khai thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử để khắc phục những sai sót trong ghi chỉ số tiêu thụ điện.
Sửa đổi, cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định 28/2014/QĐ-TTg. Triển khai nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng 5 phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện và lấy ý kiến các bộ ngành, đoàn đại biểu Quốc hội và các hiệp hội ngành hàng, địa phương.
Trong tháng 7 và tháng 8/2020, Bộ Công Thương sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các khách hàng sử dụng điện, các bộ ngành. Bộ Công Thương sẽ hoàn chỉnh phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý III/2020.
Giá bán lẻ bình quân các hộ sinh hoạt sau khi điều chỉnh bằng so với mức giá đang áp dụng tại Quyết định 648/QĐ-BCT. "Bộ Công Thương cũng sẽ đề xuất cho khách hàng được quyền lựa chọn giá bán lẻ điện cho sinh hoạt chỉ có một mức giá, không có bậc thang. Chúng tôi đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi, trình để chính thức áp dụng từ đầu năm 2021", Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Trước đó, hồi đầu tháng 7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết, Bộ này đang nghiên cứu phương án cho phép khách hàng dùng điện sinh hoạt được lựa chọn cách tính giá điện, hoặc một giá hoặc theo biểu giá bán lẻ điện bậc thang. Mức giá cụ thể với phương án một giá điện chưa được Bộ này công bố, song ông Vượng cho rằng sẽ được xây dựng dựa trên giá bán điện bình quân 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) và sẽ cao hơn mức này.
Thy Lê