Tại tọa đàm “Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam”, các chuyên gia cho rằng nên rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện, không kìm giá quá lâu. Điều này không tốt cho ngành điện, cũng như người dùng.
Các ngành khác tăng giá, cớ sao ngành điện không được
Ts. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá cho rằng, giá điện nên điều chỉnh 3 tháng/lần hoặc 6 tháng/lần.
Cách điều chỉnh giá điện như hiện nay được cho là đang gây khó cho ngành điện (Ảnh: Internet) |
Lý giải đề xuất này, ông cho rằng: Lâu nay chúng ta luôn đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, vì vậy nhiều ý đồ về điều chỉnh giá điện không thực hiện được. Lúc đầu định điều chỉnh 3 tháng/lần, kêu dày quá nên điều chỉnh lại 2 lần/năm. Đến khi giá đầu vào sản xuất điện tăng quá cao, buộc phải điều chỉnh "nhảy sốc".
Đồng quan điểm, ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, đánh giá cách điều chỉnh giá điện như hiện nay đã gây khó cho ngành điện. Bản chất của kinh tế thị trường là đầu vào và đầu ra phải tương ứng. Đầu vào thay đổi, đầu ra cũng thay đổi. Vừa qua, giá điện 3 năm mới thay đổi một lần, như vậy là kìm lại một cách không tự nhiên, khi điều chỉnh thì điều chỉnh với bước nhảy quá lớn, gây khó khăn cho người dùng.
Ông Long đề nghị, thời gian tới, Nhà nước nên xem xét cách điều chỉnh giá điện. Ví dụ nghiên cứu điều chỉnh giá điện trong giai đoạn 6 tháng thay đổi một lần. "Không nên làm khó ngành điện với lý do đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, trong khi các ngành khác tăng giá. Gạo - nhu yếu phẩm quan trọng hơn điện nhưng có ai can thiệp đâu?", ông đặt vấn đề.
Băn khoăn về tính cạnh tranh của thị trường điện
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng ngành điện cần phải đảm bảo thị trường cạnh tranh. Theo ông Long, triển khai thị trường điện cạnh tranh là xu thế tất yếu. Việt Nam đã qua giai đoạn phát điện cạnh tranh, đang thực hiện bán buôn cạnh tranh, sắp tới tiến vào thị trường bán lẻ cạnh tranh.
Song ông có cảm giác phát điện cạnh tranh và bán buôn cạnh tranh còn nhiều vấn đề, vẫn không đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.
"Các tổng công ty điện lớn ở Tp.HCM, Hà Nội thuận lợi so với tổng công ty miền Trung và hay miền Bắc, vì vậy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải quyết bằng cách "ông nào khó khăn cho mua ở nhà máy bán rẻ hơn, ông nào thuận lợi cho mua ở nhà máy đắt hơn". Như vậy, chắc chắn không có cạnh tranh", ông Long nói.
Cùng với đó, đối với bán lẻ, ông lo ngại sắp tới còn nhiều khó khăn, cần tách chức năng bán lẻ với phân phối. Hiện nay, ngành điện chỉ có 5 tổng công ty đảm nhiệm chức năng bán lẻ, đã là bán lẻ thì không thể hạn chế số lượng công ty tham gia.
Cũng như việc điều hành, quy hoạch ngành điện phải linh hoạt và chủ động. Điện năng là hàng hoá đặc biệt, với công nghệ hiện nay không dự trữ, cất vào kho được. Sản xuất bao nhiêu thì phải tiêu thụ bấy nhiêu, vì vậy cơ chế mua bán, sản xuất và tiêu thụ đều phải tuân thủ quy luật đặc biệt này.
"Nhà máy bia sản xuất ra chưa có người mua có thể bỏ trong kho chờ đến mùa hè đem ra bán, nhưng điện không có người mua phải tắt máy đi đến khi khởi động lại rất tốn kém, tổn hao thiết bị. Vì vậy, dự báo nhu cầu dùng điện, lập kế hoạch sản xuất đáp ứng nhu cầu hợp lý là rất cần thiết", ông Long chia sẻ.
Ở một diễn biến liên quan, mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang thay vì 6 bậc thang như hiện hành.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, cho rằng việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân, chỉ điều chỉnh cơ cấu phù hợp thực tế sử dụng điện sinh hoạt của các khách hàng. Theo đó, hóa đơn tiền điện của người dùng ở mức dưới 700 kWh sẽ không thay đổi, nhưng với những hộ sử dụng nhiều điện hơn sẽ phải trả thêm tiền điện.
Đánh giá về đề xuất biểu giá bán lẻ điện bậc thang, ông Trần Đình Long nêu quan điểm, việc xây dựng biểu giá bậc thang theo lượng điện năng sử dụng của từng hộ tiêu thụ là không đúng. Lẽ ra biểu giá điện phải được xây dựng theo từng công dân. Ví dụ, một công tơ điện chỉ áp dụng cho một gia đình nhưng gia đình đó chỉ có 1 người sử dụng sẽ khác với việc một công tơ điện nhưng gia đình đó có nhiều người. Như vậy, nếu xây dựng biểu giá điện theo từng hộ tiêu thụ chắc chắn sẽ không công bằng với những hộ gia đình có nhiều thành viên. Trong tương lai, biểu giá điện bậc thang nên giảm xuống 3 bậc, bậc tính theo từng người sử dụng điện.
Phản hồi đề xuất trên, ở góc độ cơ quan quản lý, ông Tuấn cho rằng việc xây dựng biểu giá điện theo lượng điện năng sử dụng của từng công dân có thể chi tiết, khoa học hơn nhưng việc áp dụng rất khó khăn, phức tạp. Ngành điện cũng thấy rõ điều này nên đã cải tiến quản lý theo khách hàng sử dụng điện như: Gia đình 3 thế hệ thì có thể làm 3 hợp đồng điện.
Lê Thúy