Mạng lưới buôn lậu tinh vi
Vừa qua, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh) phối hợp với Phòng Thanh tra – Pháp chế, Công an thành phố Bắc Ninh kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh của bà N.T.T.H, phát hiện nhiều hàng hóa vi phạm. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 5.324 đơn vị phụ tùng ô tô với tổng trị giá 814,5 triệu đồng có dấu hiệu nhập lậu. Bà N.T.T.H chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tiếp sau đó, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà N.T.T.H về hành vi: Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Trước đó, ngày 17/7/2024, tại Km 287, Quốc lộ 18A, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện 11.200 chiếc bugi xe máy giả mạo nhãn hiệu NGK đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, ông B.Đ.L khai nhận đặt mua của một người không quen biết để vận chuyển về các tỉnh tiêu thụ.
Việc sử dụng phụ tùng ô tô, xe máy giả không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất và "tuổi thọ" của phương tiện mà còn tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với an toàn giao thông. |
Sau quá điều tra, xác minh, mới đây Công an thành phố Móng Cái đã trả lại hồ sơ vụ việc cho Đội QLTT số 4 báo cáo Cục trưởng Cục QLTT tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông B.Đ.L số tiền 102.500.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ 11.200 chiếc bugi giả mạo nhãn hiệu NGK theo quy định của pháp luật.
Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường ô tô và xe máy tại Việt Nam, nhu cầu về phụ tùng thay thế cũng tăng cao. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã tổ chức các đường dây buôn lậu phụ tùng xe ô tô, xe máy từ nước ngoài vào Việt Nam. Các phụ tùng này thường là hàng giả, kém chất lượng, được sản xuất tại các nhà máy không có giấy phép hoặc nhập khẩu trái phép từ Trung Quốc, Thái Lan và các quốc gia lân cận.
Theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan, số lượng phụ tùng ô tô, xe máy nhập lậu bị thu giữ trong những tháng gần đây đã tăng đáng kể. Các đối tượng buôn lậu thường sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng, chẳng hạn như ngụy trang hàng lậu trong các lô hàng chính ngạch hoặc lợi dụng các điểm trung chuyển tại các cửa khẩu ít được kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng các công ty bình phong, giấy tờ giả mạo để hợp thức hóa việc nhập khẩu. Một số vụ việc gần đây còn cho thấy các đối tượng buôn lậu đã lập ra nhiều cơ sở sản xuất giả danh nhà máy lắp ráp phụ tùng tại các khu vực ven thành phố lớn để tiêu thụ sản phẩm, khiến việc truy vết và xử lý trở nên khó khăn hơn.
Có thể nói, xe máy là loại hình phương tiện di chuyển phổ biến nhất tại Việt Nam. Mỗi khi bị hư hỏng, cần thay thế phụ tùng, thiết bị...nhiều người đều đặt niềm tin tuyệt đối vào những lời giới thiệu, tư vấn của các chủ cửa hàng kinh doanh hay sửa chữa xe máy. Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng giới thiệu, kinh doanh hàng chính hãng.
Tại cửa hàng sửa chữa xe máy trên đường Tân Xuân (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nếu như má phanh chính hãng đang được bán với giá 230.000 đồng (tại cửa hàng Honda) thì tại đây chỉ có giá 120.000 đồng. Thoạt nhìn qua người mua không thể phân biệt được đâu là đồ thật, đâu là hàng giả bởi hàng giả được đóng tem mác y hệt, thậm chí có cả tem chống hàng giả.
Nguy cơ tiềm ẩn
Đại diện Công ty Honda Việt Nam cho biết, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái làm giả nhãn hiệu Honda diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng lớn tới uy tín của doanh nghiệp. Công ty Honda Việt Nam hiện có hơn 300 nhãn hiệu được bảo hộ, chia thành 4 nhóm chính là nhãn hiệu ô tô xe máy; phụ tùng; dầu nhờn; thiết kế cửa hàng. Hiện nay, cả 4 nhóm nhãn hiệu chính này đều bị vi phạm nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ.
Trong đó, có hàng chục nghìn phụ tùng giả được phát hiện, thu giữ hằng năm, tập trung vào nhóm tính năng an toàn như má phanh, dây phanh gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của khách hàng và tuổi thọ của xe. Cùng với đó, tem, dầu nhớt, biển hiệu không đúng quy cách cấu trúc của Honda Việt Nam cũng được làm giả rất tinh vi và buôn bán tràn lan trên thị trường.
Việc sử dụng phụ tùng ô tô, xe máy giả không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất và "tuổi thọ" của phương tiện mà còn tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với an toàn giao thông. Các phụ tùng này thường được sản xuất từ những vật liệu kém chất lượng, không qua kiểm định, dẫn đến những hậu quả khó lường khi lắp đặt vào xe: hỏng hóc bất ngờ, dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Chuyên gia kỹ thuật ô tô Lê Văn Thọ chia sẻ rằng, việc sử dụng phụ tùng giả trong các hệ thống quan trọng như phanh, động cơ, hay các bộ phận điện tử có thể gây ra những tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt là khi phương tiện di chuyển với tốc độ cao hoặc trong điều kiện thời tiết xấu.
"Phụ tùng giả không chỉ làm giảm hiệu suất của xe mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người lái và hành khách. Chỉ cần một bộ phanh không đạt tiêu chuẩn, một động cơ quá nhiệt, hoặc một hệ thống điện tử kém chất lượng, tất cả đều có thể dẫn đến những tai nạn thương tâm," ông Thọ cho biết.
Ngoài ra, việc tiêu thụ phụ tùng giả cũng gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối chính hãng. Các sản phẩm giả mạo thường có giá rẻ hơn, làm cho các doanh nghiệp chân chính phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh, giảm doanh số bán hàng và ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.
Để ngăn chặn tình trạng này, đại diện Tổng cục QLTT cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát tại các cửa khẩu, kho bãi và chợ đầu mối, đồng thời đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về nguy cơ khi sử dụng phụ tùng giả. Hơn nữa, người tiêu dùng cũng được khuyến cáo nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem chống giả, và được phân phối bởi các đại lý chính hãng.
Lê Hồng