“Hiện nay, HTX chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Thị trường bán lẻ đang tăng trưởng chậm lại, khiến sức mua giảm sút đáng kể. Dù chúng tôi đã nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, đồng thời mở rộng kênh phân phối, nhưng hàng hóa vẫn tồn kho nhiều. Người tiêu dùng dường như không còn ưu tiên các sản phẩm nông sản của HTX nữa, mà chuyển sang các sản phẩm giá rẻ từ nước ngoài. Chi phí duy trì hoạt động ngày càng tăng, trong khi lợi nhuận lại giảm sút, khiến HTX phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ”, Giám đốc HTX Ba Chữ (Đông Anh, Hà Nội) Nguyễn Thị Huyền cho biết.
Thị trường cạnh tranh gay gắt
Tình trạng như HTX Ba Chữ không phải là số ít, mà nhiều HTX và doanh nghiệp nhỏ cũng đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Chị Hán Thị Luyến, Giám đốc HTX Hán Thị (Lương Tài, Bắc Ninh) chia sẻ: "Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, nhưng tình hình vẫn chưa khả quan. Các sản phẩm từ cây nhàu của HTX, như nước cốt nhàu và rượu nhàu, vẫn khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập trên thị trường. Điều này thực sự là một thách thức lớn đối với chúng tôi".
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu ngành đặt ra. Tốc độ tăng trưởng này không chỉ phản ánh sự khó khăn trong nền kinh tế mà còn tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp và HTX trong việc tiêu thụ sản phẩm, khiến nhiều HTX phải đối mặt với việc tồn kho tăng, vòng quay vốn chậm,...
Sự tăng trưởng của thị trường bán lẻ đang gặp nhiều khó khăn khi mức tiêu dùng giảm sút, gây ra những thách thức lớn cho các HTX trong việc tiêu thụ sản phẩm. |
Nguyên nhân của tình trạng này có thể được nhìn nhận từ nhiều góc độ khi tình hình kinh tế thế giới không ổn định đã tác động tiêu cực đến sức mua trong nước. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao đã khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu, ưu tiên những mặt hàng thiết yếu thay vì các sản phẩm không cần thiết. Đặc biệt là sự cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ đã làm giảm khả năng tiêu thụ của các sản phẩm nội địa.
Điều đáng lo ngại là sự chậm lại trong tiêu thụ hàng hóa không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với các HTX. Với mô hình kinh doanh chủ yếu dựa vào sản xuất nông sản và chế biến thực phẩm, các HTX đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như hàng tồn kho gia tăng, chi phí sản xuất và vận chuyển leo thang, cùng với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Theo Giám đốc HTX Hán Thị, một trong những khó khăn lớn nhất đối với HTX là việc tiếp cận các kênh phân phối hiện đại. Mặc dù thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, nhưng HTX vẫn gặp nhiều rào cản về kỹ thuật và kinh phí để tham gia vào thị trường này. Hơn nữa, HTX cũng gặp phải khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu và tiếp cận khách hàng. Với ngân sách hạn hẹp, việc đầu tư vào các chiến dịch quảng bá thương hiệu trở nên xa xỉ đối với nhiều HTX, dẫn đến sản phẩm không thể tiếp cận được người tiêu dùng.
Những giải pháp đột phá
Ông Phạm Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định: “Thị trường trong nước là 100 triệu dân – sức tiêu thụ rất lớn, dư địa rất lớn. Nếu không có những giải pháp kích cầu tiêu thụ trong nước sẽ không tận dụng được cơ hội phát triển”.
Trong bối cảnh thị trường bán lẻ tăng chậm, các HTX, đặc biệt là những HTX nông nghiệp, đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng kênh bán hàng.
Điển hình như HTX sản xuất rau an toàn Tiền Tài (Khoái Châu, Hưng Yên), đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, HTX cũng tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm nông sản để tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Một số HTX đã bắt đầu chuyển hướng sang các giải pháp sáng tạo hơn để duy trì và phát triển. Việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa các HTX và doanh nghiệp lớn đang được coi là một giải pháp tiềm năng. Thông qua các chuỗi liên kết này, các HTX có thể tận dụng mạng lưới phân phối của các doanh nghiệp lớn để đưa sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng. Đồng thời, các HTX cũng có thể học hỏi từ kinh nghiệm quản lý, tiếp thị và phân phối của các doanh nghiệp lớn để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Các chuyên gia cho rằng, việc đầu tư vào chất lượng sản phẩm cũng được coi là một giải pháp bền vững cho các HTX. Trong khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, các HTX cần phải chú trọng hơn vào việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ khâu sản xuất đến khâu đóng gói và vận chuyển.
Để duy trì mức tiêu thụ ổn định đối các sản phẩm, đặc biệt là nông sản, các HTX cũng cần được hỗ trợ từ phía Nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường. Các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, cùng với các khóa đào tạo về quản lý, marketing sẽ giúp các HTX nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan và các doanh nghiệp phân phối lớn triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy thị trường như tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu và định hướng tiêu dùng ở nhiều địa phương trên cả nước. Từ đó đã hỗ trợ hàng ngàn lượt doanh nghiệp, HTX gặp gỡ, mua bán, trao đổi hàng hóa bằng hình thức hội nghị trực tiếp lẫn trực tuyến.
Lê Hồng