Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore (dùng để tính toán giá bán lẻ trong nước) cập nhật đến ngày 18/4 tăng so với kỳ tính giá ngày 11/4. Cụ thể, xăng 92: 129,16 USD/thùng, xăng 95: 132.56 USD/thùng, dầu hỏa: 143,27 USD/thùng, diesel: 146,76 USD/thùng, mazut: 725,05 USD/tấn.
Dự báo giá xăng dầu trong nước tăng vào ngày mai. |
Trong khi, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trước khi điều chỉnh giá trong nước vào ngày 12/4 là: 119,686 USD/thùng xăng RON92; 123,016 USD/thùng xăng RON95; 130,303 USD/thùng dầu hỏa; 133,579 USD/thùng dầu diesel; khoảng 697,824 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S.
Theo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, giá cơ sở bình quân kể từ phiên điều hành ngày 12/4 tính đến nay tại thị trường Singapore hiện cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước ở mức 500 đồng/lít, còn dầu diesel cao hơn 1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, giá cơ sở tính theo ngày trong ngày gần nhất đã cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước đến 1.600 đồng/lít, cao hơn dầu diesel 2.000 đồng/lít.
Do vậy, dự báo giá xăng dầu vào ngày mai có thể được điều chỉnh tăng trong khoảng 1.000 đồng/lít/kg tùy loại, mức điều chỉnh còn phụ thuộc vào việc trích lập và chi Quỹ bình ổn giá. Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước sẽ quay đầu tăng sau 3 lần giảm liên tiếp.
Trên thị trường giao dịch quốc tế, cập nhật lúc 6 giờ sáng ngày 20/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 5 được giao dịch ở mức 102,8 USD/thùng, tăng 0,27 USD, tương đương 0,26%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 6 giữ ở mức 107,3 USD/thùng.
Giá dầu thô tăng sẽ tạo áp lực không chỉ lên giá vận chuyển quốc tế, mà đối với trong nước cũng rất căng thẳng. Bà Võ Thị Phương Lan - Chủ tịch Amerasian Shipping Logistics (ASL) cho biết cước vận tải nội địa năm 2022 có xu hướng tăng. Chiến sự Nga - Ukraine diễn biến phức tạp nên giá dầu trong nước tăng cao. Điều này tác động trực tiếp tới doanh nghiệp.
Thống kê cho thấy năm 2021, giá dầu tăng khoảng 21% so với năm 2020. Đáng lo ngại, chỉ riêng trong quý I/2022, giá dầu được điều chỉnh tăng liên tục và đã tăng tới hơn 50% so với quý I/2021. Giá dầu chiếm 40% giá vận chuyển nội địa, vì vậy từ tháng 1 đến nay, cước vận tải nội địa cũng được điều chỉnh tăng liên tục. Quý I/2021, cước vận chuyển tăng 27,81% so với quý IV/2021, con số nằm ngoài kiểm soát của cả doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất.
Trước đó, từ 15 giờ ngày 12/4, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm 700 - 838 đồng/lít/kg, riêng dầu mazut giữ ổn định so với giá bán hiện hành.
Đáng chú ý, tại kỳ điều hành ngày 12/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) kỷ lục như với các mặt hàng E5RON92 ở mức 550 đồng/lít và RON95 ở mức 650 đồng/lít, dầu diesel ở mức 500 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 350 đồng/lít.
Thy Lê