Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, kể từ 15h chiều 5/9, giá xăng RON 92 tăng 702 đồng/lít, lên mức tối đa 16.076 đồng/lít. Giá xăng sinh học (E5) cũng tăng 611 đồng/lít, lên mức tối đa 15.836 đồng/lít.
Sự phức tạp của giá xăng dầu
Theo các chuyên gia tài chính, theo dõi giá xăng dầu kể từ năm 2008 đến nay, có thể thấy giá xăng hiện thấp hơn nhiều so với năm 2011 trở lại đây, nhưng lại cao hơn rất nhiều so với giai đoạn năm 2008 - 2010.
Giá bán lẻ bình quân xăng năm 2008 chỉ là 14.875 đồng/lít, năm 2009 là 14.000 đồng/lít và năm 2010 là 16.430 đồng/lít. Dữ liệu này cho thấy, giá xăng bán lẻ bình quân hiện cao hơn 27% so với năm 2008, đắt hơn 35% so với năm 2009 và vượt hơn 15% so với năm 2010 trong khi, giá NK gần như tương đương.
![]() |
Giá xăng dầu tăng mạnh nhất trong 5 tháng qua
Trong khi đó, chỉ tính riêng trong tháng 6, sau 4 đợt giảm giá liên tiếp từ đầu tháng, giá xăng đã có lần điều chỉnh tăng diễn ra vào kỳ điều hành gần đây nhất, hôm 19/8. Trong kỳ điều chỉnh này, mỗi lít xăng RON 92 được tăng 675 đồng, lên tối đa 15.374 đồng/lít. Xăng E5 cũng tăng 975 đồng, lên mức cao nhất 15.225 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng thêm 200 - 253 đồng/lít, kg tùy loại. Trong đó, dầu hỏa có mức tăng 200 đồng, lên tối đa 10.496 đồng/lít; dầu madút tăng 214 đồng, lên 8.837 đồng/kg. Dầu diesel có mức tăng cao nhất - 253 đồng, lên tối đa 11.914 đồng/lít.
Gánh nặng thuế phí
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một DN kinh doanh xăng dầu khẳng định: Đợt điều chỉnh giá xăng kỳ này tăng mạnh hơn so với dự báo trước đó, do cơ quan quản lý thay đổi cách tính thuế TTĐB kể từ hôm 19/8. Cụ thể, thuế TTĐB với xăng dầu sẽ chuyển sang thực hiện theo Nghị định 100/2016/NĐ-CP, theo đó, quy định thuế TTĐB sẽ được tính trên mức giá đầu ra (bao gồm cả các chi phí) thay vì chỉ tính trên giá nhập như trước đó.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được ngừng sử dụng từ 20/7 đến nay đối với xăng (các mặt hàng dầu bắt đầu từ 4/8) trong khi vẫn được trích đều đặn 300 đồng từ mỗi lít xăng, dầu bán ra. Như vậy, trong thời gian qua, quỹ này đã được tích lũy khá nhiều tại các DN sau khi có dấu hiệu “cạn” (còn tổng cộng 1.500 tỷ đồng tại 21 DN) sau 6 tháng đầu năm vì phải chi bình ổn. Đơn cử như tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), số dư quỹ trong tháng 7 đã tăng từ 1.425 tỷ đồng lên 2.377 tỷ.
Tuy nhiên, do thời gian gần đây, giá xăng trên thế giới liên tục biến động tăng, bởi vậy, kỳ điều chỉnh lần này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho phép chi sử dụng quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng RON 92 là 300 đồng/lít, xăng E5 300 đồng/lít. “Việc xả thêm quỹ bình ổn thì giá xăng vẫn thể tăng, tuy nhiên mức tăng sẽ giảm vài trăm đồng so với việc không dùng quỹ”, lãnh đạo một DN đầu mối tại Hà Nội nói.
Trước đó, Nghị định 195/2015/NĐ-CP quy định giá tính thuế TTĐB là giá do cơ sở NK bán ra nhưng trừ mặt hàng xăng, nghĩa mà mặt hàng xăng chỉ nộp tại khâu NK.
Trong khi đó, Nghị định 100/2016/NĐ-CP lại quy định giống như Luật 106 là không loại trừ mặt hàng xăng, nghĩa là mặt hàng xăng sẽ phải kê khai nộp tại đầu ra và thuế TTĐB đầu vào (khâu NK) sẽ được khấu trừ như thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Theo các chuyên gia tài chính và DN kinh doanh xăng dầu, cách tính này tồn tại nhiều bất cập. Bởi cách tính mới này lại yêu cầu xăng dầu phải tính theo giá bán ra bao gồm cả chi phí định mức, lợi nhuận định mức và các chi phí bán hàng khác khiến giá xăng dầu tăng thêm
Như vậy, việc thay đổi cách tính thuế TTĐB với mặt hàng xăng dầu sẽ khiến giá xăng dầu chịu thêm khoảng 80 - 90 đồng/lít tiền thuế.
Một chuyên gia kỳ cựu nghiên cứu về ngành hàng này phân tích: “Nếu thực hiện theo Luật sửa đổi bổ sung Thuế TTĐB thì giá cơ sở hiện tại chưa đúng với quy định của Luật Thuế TTĐB và Nghị định 100. Cụ thể chỉ tính thuế TTĐB khâu NK, chưa tính đến giá bán ra ngoài xã hội, tức là chưa tính thuế TTĐB của chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và bình ổn giá (nếu có)”.
Ts. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chia sẻ: “Khi giá dầu giảm, không nên chỉ bàn đến chuyện ngân sách thiệt. Giữa một bên là thị trường, một bên là ngân sách thì phải cưa đôi lợi ích, ngân sách hưởng 3 - 4 thì thị trường hưởng 7 - 6. Điều quan trọng nhất là làm sao chuyển cơ hội từ việc giá dầu thấp thành động lực phát triển, giúp DN giảm chi phí, nhưng hiện, điều này vẫn chưa được làm tốt”.
Thanh Hoa