Theo các chuyên gia dự báo, sức cầu dịp Tết Âm lịch năm nay dù có thể tăng hơn so với thời điểm năm ngoái, nhưng vẫn thấp so với cùng kỳ Tết các năm trước do khủng hoảng kinh tế, việc làm; người tiêu dùng chỉ mua những mặt hàng thiết yếu. Điều này khiến cho các DN sản xuất, kinh doanh gia tăng lo ngại và buộc phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng khi chuẩn bị hàng bán ra thị trường trong dịp này.
Thậm chí, những doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, vốn là mặt hàng thiết yếu, cơ bản và có sức tiêu thụ rất mạnh trong dịp Tết cũng cho biết đang vô cùng dè dặt khi chuẩn bị nguồn hàng. Đại diện Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (TP HCM) chia sẻ, trong 10 tháng đầu năm nay, sức tiêu thụ giảm 50% nên DN chỉ chuẩn bị khoảng 2 triệu quả trứng gia cầm/ngày từ ngày 23 tháng Chạp trở đi. Đối với các nhà bán lẻ có phương án chuẩn bị nguồn hàng ở mức vừa phải.
Bà Võ Thị Hà, chủ cơ sở Thịnh Phát (Long An) chuyên cung ứng các loại mứt, trái cây sấy khô cho các chợ, cửa hàng cũng nhìn nhận, thời điểm này những năm trước dịch bệnh COVID-19, đối tác gọi điện đặt hàng rất nhiều để có giá tốt nhất. Tuy nhiên tới lúc này, số người đặt hàng giảm hơn 50%. Chúng tôi không dám liên hệ nhà vườn dự trữ nguyên liệu vì sợ ôm lỗ.
Các DN 'dè dặt' chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết. |
Lượng khách hàng giảm tuy nhiên giá cả nguyên vật liệu đầu vào ngày càng tăng, khiến sản phẩm buộc phải tăng giá cũng làm các DN dấy lên lo ngại sức mua có thể sẽ còn giảm sâu hơn nữa. Trong tình huống này, các nhà sản xuất, kinh doanh cho biết họ đang phải “đau đầu” để cân đối giá, sao cho vừa chia sẻ được khó khăn với người tiêu dùng vừa không phải chịu cảnh thua lỗ. Nhiều DN chấp nhận lợi nhuận thấp, thậm chí huề vốn để bán được hàng, tham gia bình ổn thị trường.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan): “Nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, năm nay công ty cam kết không tăng giá, mà còn triển khai nhiều chương khuyến mãi, giảm giá từ 10 - 20% thường xuyên vào các ngày cuối tuần và sẽ nâng mức giảm giá lên đến 30% trong những ngày sát Tết”. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết từ tháng 6/2023, DN đã bắt đầu dự trữ nguyên vật liệu, chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa phục vụ cho thị trường cuối năm và Tết 2024.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM nhìn nhận, thị trường năm nay rất khó khăn. Hiện sức mua yếu, DN chỉ dự trữ lượng hàng Tết tăng khoảng 15 - 20% so với bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong trường hợp sức mua tăng đột biến.
Trong bối cảnh hiện tại, các DN không còn cách nào khác ngoài thận trọng, chuẩn bị cân đối sản xuất, chuẩn bị nguyên vật liệu trên cơ sở tuân thủ nghiêm quy định của chương trình bình ổn. Đồng thời, nỗ lực cung ứng đủ hoặc vượt sản lượng, bán đúng giá đã công bố để góp phần giúp điều tiết thị trường.
Bên cạnh đó, DN cũng có sự chuẩn bị, sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, nhu cầu tăng đột biến, tránh không để diễn ra tình trạng khan thiếu hàng hóa gây mất cân đối cung - cầu, ảnh hưởng xấu tới môi trường tiêu dùng vốn đã rất bấp bênh hiện nay.
Nhằm hỗ trợ và giúp tháo gỡ phần nào khó khăn cho các DN, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tiếp tục cung ứng vốn kịp thời cho các DN nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và giữ ổn định giá cả hàng hóa những tháng cuối năm, phục vụ người tiêu dùng mua sắm Tết. “Các ngân hàng cần tiếp tục tiết giảm chi phí thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa sản phẩm cho vay và thanh toán phục vụ DN, hộ gia đình sản xuất kinh doanh hàng hóa Tết” – ông Lệnh nói.
Bích Tâm