Theo phản ánh hiện nay, giá vé máy bay đến các địa điểm du lịch nội địa vào cuối tháng 6 và tháng 7 tăng theo giờ, theo ngày. Khách hàng mua càng sát ngày, giá vé máy bay càng cao.
Không có vé giá rẻ để mua
Khảo sát cho thấy, chặng bay du lịch nội địa có giá đắt nhất là Hà Nội - Phú Quốc, nếu chọn bay vào dịp cuối tuần, giờ đẹp, khách hàng của Vietnam Airline sẽ phải mức giá khá cao khoảng 7 triệu đồng/vé khứ hồi. Nếu chọn bay vào sáng sớm hoặc tối muộn hành khách cũng phải trả không dưới 4-5 triệu đồng. Nếu chọn bay Vietjet Air, Bamboo Airways, giá vé cũng dao động quanh mức 3-5 triệu đồng một vé khứ hồi.
Giá vé máy bay tăng chóng mặt khiến du khách sốc. |
Hay vé khứ hồi đường bay Hà Nội - Đà Nẵng (đã gồm, thuế phí) của Vietnam Airlines dao động từ 3 - 5 triệu đồng, Bamboo Airways khoảng 3 - 4 triệu đồng tùy giờ bay, Vietjet Air thấp hơn một chút song cao hơn nhiều so với hồi đầu năm hoặc cùng thời điểm những năm trước.
Với các chặng bay còn lại như TP. HCM hoặc Hà Nội đến Nha Trang, Quy Nhơn giá vé cao điểm hè cũng tăng mạnh so với các tháng trước đó.
Ông Nguyễn Công Hoan, CEO Flamingo Redtours chia sẻ với VnBusiness rằng, giá vé máy bay nội địa đang rất cao, chưa bao giờ giá vé Hà Nội - Sài Gòn, Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Nha Trang... được bán với giá cao như vậy. Trước khi thị trường du lịch bước vào giai đoạn phục hồi, nhiều du khách kỳ vọng sẽ có nhiều khuyến mãi nên giờ khá sốc khi nhìn bảng giá vé máy bay, cũng như bảng giá tour.
Ông Hoan cho hay, trước đây, giá vé máy bay chỉ chiếm 60% trong cơ cấu giá thành tour du lịch, giờ bị đẩy lên 70% - giá tour cũng cao hơn rất nhiều.
CEO Flamingo Redtours cho hay, việc giá vé máy bay tăng có thể là do giá nhiên liệu tăng mạnh, nhu cầu đi lại cao hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch mong muốn các hãng hàng không cân đối lại chi phí để giá vé không tăng quá cao. Ngành du lịch cần phải "nuôi" nhu cầu thị trường một cách ổn định, thay vì tất cả dịch vụ ồ ạt tăng giá, sau đó du khách quay lưng lại với ngành dịch vụ thì sẽ không phục hồi bền vững.
Ông Hoan cho hay, giá vé máy bay có nhiều hạng vé nhưng các hãng bay thường không áp dụng vé giá rẻ nữa, đa phần là vé giá cao. Đơn cử trước đây giá vé khứ hồi của một chặng 3 triệu đồng, nay tăng lên 5-6 triệu đồng. Mặc dù hàng không có biểu giá hỗ trợ nhưng chỉ áp dụng với hạng vé cao, chứ không áp dụng hạng vé thấp. Trước đây, công ty du lịch còn booking được vé giá rẻ chứ giờ không còn nữa.
Giá vé máy bay vẫn cạnh tranh
Tại Hội nghị về tình hình kinh tế và các đề xuất, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 do Bộ KH&ĐT tổ chức mới đây, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm rất đáng mừng vì tăng trưởng trở lại, du lịch cũng bắt đầu khởi sắc. Thời gian qua, doanh nghiệp du lịch đóng cửa khá lớn nhưng số lượng doanh nghiệp mới thành lập cũng rất cao cho thấy thị trường luôn có sự thích ứng nhất định.
Tuy nhiên, ông Bình phản ánh trong khi giá cả các tour du lịch, nhà nghỉ, khách sạn sau thời gian doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của đại dịch đã được doanh nghiệp kích cầu số lượng lớn nên giá thành khá rẻ; thì giá vé máy bay hiện nay đang rất cao, nên việc phục hồi du lịch nội địa khó khăn.
Trước khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, cho rằng ngành du lịch muốn kích cầu sau đại dịch không thể duy trì cách làm việc mỗi ngành nghề một kiểu, mạnh ai nấy làm. "Nhiều người than phiền với tôi là đi du lịch trong nước còn đắt hơn cả ra nước ngoài, đặc biệt là đi sang các nước ASEAN như Thái Lan. Vậy, để hiệu quả chính sách, giữ được chân khách nội địa, các hãng bay và doanh nghiệp du lịch phải ngồi cùng lại, bàn lại với nhau để giảm chi phí, kích cầu chứ không nên mạnh ai nấy làm như hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nêu có ý kiến của người dân cho rằng hiện nay giá vé máy bay đang tăng nóng, doanh nghiệp và Cục Hàng không lại đề xuất tăng giá trần, có thể làm giá vé máy bay tăng thêm do các hãng nới giá vé đến trần.
Về phản ánh giá vé máy bay tăng cao, TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), cho biết hiện nay giá vé máy bay vẫn được khống chế theo mức giá trần.
Tính toán phân bổ giá vé của các doanh nghiệp là từ thấp lên đến cao, chạm trần để từ đó khống chế giá trần. Việc xây dựng giá vé trần được thực hiện khi dầu thô ở mức 80 USD/thùng, nay đã tăng trên 112 USD/thùng. Hiện giá dầu tăng cao nên các doanh nghiệp hàng không đề nghị xem xét, một là nâng giá trần lên, hai là cho chính sách phụ thu.
Về giá trần vé máy bay của Việt Nam so với bình quân của quốc tế cao hay thấp, ông Nề khẳng định so với giá vé máy bay của các hãng quốc tế, giá vé máy bay bình quân của Việt Nam vẫn cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu biến động giá thêm, chúng ta sẽ mất cơ hội cạnh tranh vào tay các hãng bay nước ngoài.
Về chi phí của các hãng bay nước ngoài có thể rẻ hơn trong nước ở các tuyến bay nội địa của họ, ông Nề cho rằng đây là vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ của Chính phủ các nước.
Vì vậy, ông Nề kiến nghị các doanh nghiệp hàng không tha thiết đề nghị giảm nhanh thuế bảo vệ môi trường về 0 đồng/lít, điều này giúp cho doanh nghiệp giảm bớt chi phí, gánh nặng chi phí. Nếu các biện pháp hỗ trợ được đưa ra nhanh, mạnh, thị trường hàng không mới dần ổn định trở lại.
Nhật Linh